Nghiên cứu chỉ ra rằng, số lần đại tiện mỗi ngày không chỉ quyết định hệ tiêu hóa khỏe mạnh hay không, mà còn có thể nói lên nhiều điều về chức năng gan – thận và sức khỏe nói chung.
Theo nghiên cứu trên tạp chí Cell Reports Medicine, tần suất đi đại tiện mỗi ngày phản ánh nhiều điều về sức khỏe lâu dài. Cụ thể, người không đi vệ sinh thường xuyên có dấu hiệu suy giảm chức năng thận. Trái lại, người đi với tần suất nhiều hơn bình thường lại có biểu hiện chức năng gan kém.
PGS. Sean Gibbons – Viện Sinh học hệ thống (Seattle, Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu nhận định, trước đây đã có nhiều bằng chứng cho thấy táo bón có liên quan đến nhiều bệnh mạn tính. Tuy nhiên, chưa ai biết tình trạng nào có trước và tác động đến nhau ra sao.
PGS. Gibbons và nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về mẫu máu, mẫu phân, chỉ số khối cơ thể (BMI) cũng như khảo sát về chế độ ăn uống, tập luyện và sức khỏe tinh thần của hơn 1.400 người trưởng thành khỏe mạnh.
Từ mẫu máu, họ có thể phát hiện các chỉ số về chức năng gan, thận và nội tạng suy giảm. Mẫu phân giúp nhóm nghiên cứu giải trình tự gene hệ vi sinh vật đường ruột của người tham gia.
Dựa vào tần suất đại tiện, người tham gia được chia làm 4 nhóm: 1-2 lần/tuần; 3-6 lần/tuần; 1-3 lần/ngày và tiêu chảy (được coi là từ 4 lần/ngày trở lên).
Kết quả cho thấy, tần suất đại tiện lý tưởng là 1-2 lần/ngày. Trong đó, người trẻ tuổi, phụ nữ và người có chỉ số BMI thấp thường đi vệ sinh ít thường xuyên hơn. Người bị táo bón mạn tính, tức là đi dưới 2 lần/tuần có nguy cơ suy giảm chức năng thận. Trong khi đó, người tiêu chảy thường xuyên lại có nguy cơ suy giảm chức năng gan.
Nghiên cứu cũng phát hiện, đường ruột của người bị táo bón hoặc tiêu chảy thường xuyên tập trung nhiều vi khuẩn có khả năng phân giải protein. Trong khi đó, ở người đại tiện đều đặn 1-2 lần/ngày có nhiều vi khuẩn lên men chất xơ.
Theo PGS. Gibbons, đường ruột của con người là nơi sinh sống của nhiều chủng vi sinh vật khác nhau. Thức ăn ưa thích của chúng là chất xơ. Tuy nhiên, nếu phân bị tắc trong ruột quá lâu như trường hợp của người bị táo bón, các vi sinh vật này sẽ không còn thức ăn. Khi đó, chúng sẽ tìm đến chất đạm hay protein – vốn là thành phần cấu tạo nên lớp màng nhầy ở niêm mạc ruột. “Nếu chúng ta không nuôi vi sinh vật đường tiêu hóa, chúng sẽ quay ra ăn chúng ta”, PGS. Gibbons cho hay.
Hiện tượng này sẽ gây ra nhiều vấn đề. Thứ nhất, vi sinh vật tiêu thụ protein sẽ tạo ra các chất chuyển hóa có hại, có thể dẫn đến rối loạn chức năng gan và thận. Ngày càng có nhiều vi khuẩn phụ thuộc vào chất đạm thì số lượng lợi khuẩn ăn chất xơ lại càng ít.
PGS.TS Phillipp Hartmann – Đại học California lý giải, theo thời gian, những vi khuẩn “háu ăn” này sẽ phân giải niêm mạc dạ dày, gây ra chứng ruột rò rỉ, tạo điều kiện cho vi khuẩn và chất chuyển hóa độc hại đi vào máu và các cơ quan khác, gây ra viêm tim, viêm gan và thận.
Tương tự, ở trường hợp người tiêu chảy kéo dài, hiện tượng viêm cũng khiến niêm mạc nhầy ở ruột bị phá hủy dần, cho phép các chất độc dễ dàng đi vào máu.
Dù chưa rõ nguyên nhân chính xác, PGS. Gibbons đưa ra giả thuyết, bệnh tiêu chảy khiến cơ thể không thể hấp thụ acid mật – vốn có nhiệm vụ phân giải cholesterol, làm tăng gánh nặng cho gan. Trong khi đó, thận lại dễ bị tổn thương dưới tác động của các chất chuyển hóa từ quá trình vi khuẩn phân giải protein.
Thói quen đại tiện tưởng chừng rất khó kiểm soát theo ý muốn. Tuy nhiên, các chuyên gia gợi ý bạn nên duy trì lối sống lành mạnh để phòng ngừa cả táo bón lẫn tiêu chảy.
Biện pháp quan trọng nhất là có chế độ ăn tốt cho sức khỏe, nhất là rau củ quả giàu chất xơ giúp cải thiện lợi khuẩn đường tiêu hóa.
Đồng thời, bạn cần uống nhiều nước, tập thể dục đều đặn và hạn chế dùng đồ uống có cồn, thịt đỏ.
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng