Tết với bệnh cao huyết áp

Tăng huyết áp được các bác sĩ tim mạch coi như là “kẻ giết người thầm lặng”. Phần lớn bệnh nhân là những người không có biểu hiện các triệu chứng hoặc nếu có chỉ là nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi, chảy máu cam, buồn nôn, nôn… nhưng cũng có thể gặp trong các bệnh khác. Biện pháp điều trị không dùng thuốc được thực hiện đầu tiên là dinh dưỡng.

Theo BS. Phạm Văn Chín, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, huyết áp có khuynh hướng tăng dần theo tuổi, gần 90% số người trước đây có huyết áp bình thường lúc trẻ sẽ mắc bệnh tăng huyết áp sau 55 tuổi. Bắt đầu ở trị số huyết áp 115/75 mmHg, nguy cơ của bệnh tim mạch tăng gấp đôi với mỗi sự gia tăng 20 mmHg của huyết áp tâm thu hoặc 10 mmHg của huyết áp tâm trương.

Tăng huyết áp gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể như não, mắt, tim, thận, mạch máu (gần giống như bệnh đái tháo đường). Bệnh nhân chỉ được phát hiện khi tình cờ đi kiểm tra sức khỏe, vì khám bệnh khác hoặc nhập viện vì đã có biến chứng ở các cơ quan trong cơ thể.

+ Tại não, tăng huyết áp gây:

– Cơn thiếu máu não thoáng qua.

– Đột quỵ (tai biến mạch máu não) gồm nhồi máu não (nhũn não), xuất huyết não (chảy máu não, đứt mạch máu não).

– Suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.

– Bệnh não do tăng huyết áp.

+ Tại mắt, tăng huyết áp gây: mờ mắt, mù mắt gọi là bệnh lý võng mạc do tăng huyết áp.

+ Tại tim, tăng huyết áp gây:

– Tim lớn (lâu ngày gây suy tim).

– Bệnh động mạch vành gồm thiếu máu cơ tim im lặng, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột tử do tim.

+ Tại thận, tăng huyết áp gây: tiểu đạm và cuối cùng là suy thận.

+ Mạch máu, tăng huyết áp gây: tổn thương phồng bóc tách động mạch chủ, xơ vữa động mạch, viêm tắc động mạch chi…

Điều trị bằng dinh dưỡng

Khi mắc bệnh tăng huyết áp ngoài việc dùng thuốc thì biện pháp điều trị không dùng thuốc được thực hiện đầu tiên là dinh dưỡng. Giảm muối, giàu kali, giàu calci, hạn chế chất béo bão hòa, giảm rượu là một chế độ ăn lý tưởng đối với người cao huyết áp.

BS. Phạm Văn Chín cho biết, ăn bớt mặn (làm giảm huyết áp 2 – 8 mmHg), nhu cầu natri hàng ngày của trẻ em cũng như người lớn vào khoảng 200 mg natri. Bình thường hàng ngày chúng ta ăn 4.000 – 6.000 mg natri tương đương với 10 – 15 g muối. Đối với người tăng huyết áp nên ăn ít hơn 6 g muối mỗi ngày (khoảng 2 muỗng cà phê).

Tuy nhiên trong thực tế ăn uống hàng ngày, vì lượng natri hầu như có trong nhiều thức ăn và đồ uống nên việc làm sao để biết chúng ta đã ăn giảm mặn ít hơn 6 g muối mỗi ngày không phải là chuyện dễ, vì vậy nên thực hiện các mức độ ăn giảm muối như sau:

– Giảm nhẹ: loại bỏ các thức chấm mặn trên bàn ăn như chén nước mắm, tương, xốt, tương hột, muối tiêu, bột canh… Hạn chế các thức ăn mặn như tương, chao, mắm các loại, dưa, cà, trứng muối, cá khô, mực khô… Các thức ăn chế biến sẵn như cháo, phở, mì ăn liền, đồ hộp, giò chả. Bằng cách này có thể giảm 3 – 5 g muối/ngày.

– Giảm trung bình: cần loại bỏ các thức ăn mặn và các thức ăn chế biến sẵn… Bằng cách này có thể giảm 6 – 10 g muối/ngày.

– Giảm nghiêm ngặt: ngoài việc tuân thủ mức giảm trung bình, trong nấu nướng hoàn toàn không nêm muối, mắm, tương, bột canh, bột ngọt… Một số bác sĩ còn đề nghị luộc rau, thịt bỏ nước để loại bỏ bớt natri. Tuy nhiên mức giảm này rất khó thực hiện và ngày nay các bác sĩ dùng thuốc lợi tiểu để điều trị tăng huyết áp nên bệnh nhân cũng không phải ăn lạt quá mức.

Ăn tết an toàn

TS.BS. Tạ Thị Tuyết Mai, trưởng khoa dinh dưỡng, BV Nhân dân Gia Định, TP.HCM hướng dẫn người bệnh cao huyết áp cách thưởng thức các món ăn đặc trưng của tết: dưa món kiệu muối là những món không thể thiếu vào ngày tết. Nếu bạn có cao huyết áp không nên ăn mà thay bằng củ kiệu ngâm giấm, đường. Làm các món dưa giá, dưa hành cũng nên bỏ thêm giấm, đường để mau ăn được và lượng muối dùng không nhiều. Người miền Nam có thói quen ăn tôm khô, củ kiệu thì nên lưu ý chọn loại tôm to, ít mặn (khoảng 30 con 100 g) và chú ý không ăn quá 10 con 1 lần.

Kali là một chất có tác dụng làm giảm tác hại của muối lên thành mạch. Nếu thích ăn mặn thì nên ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều kali như trái cây và rau xanh. Thói quen ăn nhiều trái cây và rau xanh là một ưu thế có lợi cho sức khỏe của người Việt Nam nói chung và người cao huyết áp nói riêng. Dưa hấu là loại trái cây không thể thiếu trong ngày tết truyền thống, món nộm ở miền Bắc hay gỏi và khổ qua dồn thịt ở miền Nam là những món ăn có lợi cho sức khỏe trong ngày tết. Mỗi ngày nên ăn hơn 400 g rau và hơn 200 g trái cây.

Thèo lèo cứt chuột – món ăn làm từ mè là nguồn thực phẩm dồi dào calci. Hay món tré của người miền Trung sử dụng nhiều mè, tỏi, riềng khi chế biến cũng phù hợp với người cao huyết áp.

– Người cao huyết áp nên giảm ăn chất béo, đặc biệt là béo động vật như mỡ, da, gan, tim, cật, óc… trừ mỡ cá. Nên ăn các chất béo không làm tăng mỡ xấu như mỡ cá, các loại đậu (dầu đậu nành, đậu phộng, cải, mè, bắp, hướng dương…) trừ dầu dừa, dầu cọ. Ăn các sản phẩm bơ sữa ít chất béo. Ngày tết lạp xưởng là món ăn thường xuất hiện trong các bữa ăn, nên hạn chế.

Rượu bia là món cần hạn chế ở người cao huyết áp, chỉ nên uống tối đa 2 lon bia 330 ml hoặc 1 chai 500 ml hoặc 1 chung rượu mạnh trong một ngày.

Ngoài các thức ăn phù hợp với nguyên tắc giảm muối, tăng kali, calci có những món ăn như chè hạt sen, trà tâm sen tác dụng an thần có lợi cho sức khỏe của người cao huyết áp.

– Hoạt động thể lực đều đặn như đi bộ nhanh ít nhất 30 phút/ngày và hầu hết các ngày trong tuần (làm giảm 4 – 9 mmHg).

– Giảm hút thuốc lá và tiến tới bỏ hẳn.

– Bệnh nhân phải có cuộc sống thoải mái, không lo âu, căng thẳng…

TÙNG SƠN

Recommended For You