Thuốc nhóm benzodiazepine thường dùng an thần giải lo hay an thần gây ngủ vì có tác dụng: an thần giải lo nếu dùng liều thấp, tức làm giảm sự đáp ứng với kích thích ngoại cảnh đưa đến giảm lo âu, bồn chồn, bất an; gây ngủ nếu dùng liều cao hơn, tức khởi phát và duy trì giấc ngủ khi bị mất ngủ.
Hiện nay ở ta, thường dùng thuốc benzodiazepine như diazepam (Seduxen, Valium) để an thần giải lo.
Riêng ở Mỹ và Cục quản lý thực dược phẩm (FDA) chỉ chấp thuận 5 loại thuốc dùng trong điều trị an thần và mất ngủ:
– flurazepam (Dalmane),
– estazolam (Prosom, Nucfalon),
– temazepam (Normison, Restoril),
– triazolam (Halcion),
– quazepam (Doral).
Thuốc nhóm benzodiazepine còn dùng để gây mê.
Ngày 2/7/2020, FDA chấp thuận BYFAVO (remimazolam besilate), một thuốc an thần mới của nhóm benzodiazepine, trong khởi đầu và duy trì an thần – gây mê trong phẫu thuật.
Trước đó, thuốc đã được chấp thuận lưu hành tại Nhật Bản vào 23/1/2020.
Remimazolam là một ví dụ mới nhất về việc phát triển thuốc theo chiến lược “soft drugs” (thuốc mềm hơn), tức là điều chỉnh công thức, cấu trúc một thuốc cũ để tạo ra thuốc mới có thể được chuyển hóa nhanh hơn, thời gian tác dụng ngắn hơn và có thể hiệu chỉnh liều dễ dàng theo đáp ứng lâm sàng. Tức đáp ứng các lợi điểm của thuốc an thần – gây mê ít gây hại.
Từ thuốc benzodiazepine cũ là midazolam, người ta thay đổi một chút cấu trúc hóa học để có remimazolam.
So với chất gốc midazolam, remimazolam được gắn thêm một nhóm carboxylic ester, làm cho thuốc được chuyển hóa nhanh chóng bởi các esterase không đặc hiệu ở mô trong cơ thể (non-specific tissue esterases), tức là sự chuyển hóa của remimazolam không phụ thuộc vào cơ quan như gan thận để thành chất không còn hoạt tính (midazolam chuyển hóa chậm hơn nhiều).
Midazolam thật ra không được dùng nhiều cho an thần – gây mê vì tác dụng kéo dài (kéo dài hơn thuốc gây mê thông dụng hơn là propofol) do trong cơ thể midazolam tạo chất chuyển hóa còn hoạt tính.
Do sự chuyển hóa của remimazolam không phụ thuộc vào cơ quan là gan thận, nên người có vấn đề về gan thận vẫn có thể dùng remimazolam.
So với hai thuốc an thần – gây mê phổ biến là propofol và midazolam, remimazolam có những ưu điểm sau:
– Khởi phát tác dụng nhanh hơn.
– Mức độ an thần mạnh hơn, và không phụ thuộc liều.
– Hồi phục sau an thần nhanh hơn midazolam (cho tác dụng an thần – gây mê khoảng 30 phút).
– Ít bị ảnh hưởng bởi chức năng gan, thận do không bị chuyển hóa bởi hai cơ quan này.
Giống như các benzodiazepine khác, remimazolam cho tác dụng bằng cách gắn vào thụ thể GABA (gamma-aminobutyric acid) ở hệ thần kinh, đặc biệt là GABA-alpha, tăng cường tác động của GABA là chất dẫn truyền thần kinh gây ức chế hệ thần kinh trung ương (gây an thần, gây ngủ, gây mê).
Tác dụng của benzodiazepine vào thụ thể GABA tùy thuộc vào liều, liều thấp gây an thần, liều cao gây mê.
Thuốc an thần gây ngủ như benzodiazepin có tác dụng gắn vào thụ thể của GABA để tăng cường sự gắn GABA vào chính thụ thể của GABA ở hệ thần kinh làm tăng sự mở kênh ion Cl- và tăng sự phân cực màng tế bào thần kinh gây ức chế nhiều hơn (tức gây an thần, gây ngủ, gây mê).
Đối với thuốc gây mê dạng hít, người ta sợ nhất tác dụng phụ gây hại là làm tăng thân nhiệt ác tính (malignant hyperthermia) và gây nôn ói hậu phẫu (postoperative nausea and vomiting – PONV).
Remimazolam gần như không gây tăng thân nhiệt ác tính và có gây nhẹ thoáng qua buồn nôn chứ không gây PONV.
Tiêm thuốc gây mê propofol thường gây đau (phải dùng lidocaine để giảm đau), trong khi tiêm remimazolam thì không gây đau.
Khi dùng tiêm tĩnh mạch gây mê cho trẻ, remimazolam được chọn dùng hơn là propofol vì tiêm không đau.
Với những ưu điểm trên, remimazolam hứa hẹn sẽ khắc phục những nhược điểm và thay thế dần vai trò của propofol cũng như midazolam, để trở thành một thuốc an thần – gây mê được sử dụng rộng rãi trong tương lai.