Trước nguy cơ bị mai một, Làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) tồn tại trên 100 năm cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước để có thể đứng vững và phát triển.
Theo UBND huyện Hóc Môn, làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn hiện chỉ còn sản xuất rải rác ở ấp 2, 4 và 6 với 20 hộ theo nghề (chủ yếu người già, tận dụng thời gian nhàn rỗi), thu nhập 1,2 triệu đồng/người/tháng. Do giá nguyên vật liệu tăng cao, trong khi giá bán không tăng (từ 7.000 – 15.000 đồng/cái), tiêu thụ chậm (3.000 – 4.000 cái/tháng), chủ yếu tại chợ đầu mối Bình Điền thông qua thương lái; thu nhập bấp bênh, sản xuất thiếu tính bền vững nên nhiều gia đình bỏ nghề, nhiều sản phẩm bị mai một dần.
Mặc dù địa phương đã tạo điều kiện để duy trì và phát triển làng nghề đan giỏ trạc, trong đó, phòng kinh tế huyện Hóc Môn phối hợp với UBND xã Xuân Thới Sơn tiến hành khảo sát 40 hộ đan giỏ trạc để hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho các hộ đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất (nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất theo chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 – 2020) nhưng số hộ này không có nhu cầu vay vốn, mở rộng sản xuất do chưa có đầu ra ổn định.
Trước khó khăn trên, làng nghề rất cần hỗ trợ xúc tiến thương mại để có đầu ra ổn định, khi đã có đầu ra, việc đa dạng sản phẩm, thay đổi mẫu mã, công nghệ sản xuất sẽ không còn là bài toán khó. Bởi trước đây làng nghề từng sản xuất các mặt hàng: giỏ hoa, các tác phẩm mỹ nghệ làm từ gốc tre, trúc… chớ không chỉ sản xuất các loại giỏ dùng để đựng rau, củ, trái cây… như hiện nay.