Tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp và chính quyền Thành phố diễn ra ngày 31/8, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã nêu lên các vướng mắc về xây dựng công trình sản xuất trên đất nông nghiệp, việc tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi cũng như việc phát triển thương hiệu sản phẩm.
Mặc dù khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay chỉ chiếm 0,5% trong GRDP của TPHCM, nhưng ngành nông nghiệp Thành phố có vị trí rất quan trọng, góp phần đảm bảo cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm sạch, an toàn cho hơn 10 triệu người dân của Thành phố và phục vụ xuất khẩu. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp của Thành phố trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 9.000 tỷ đồng, tăng 2,15% so cùng kỳ và đóng góp 0,3% vào tốc độ tăng GRDP.
Tuy nhiên, theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), hiện nay ngành nông nghiệp Thành phố đang đối mặt với tình trạng thu hẹp diện tích sản xuất ngày càng nhanh do quá trình đô thị hóa các quận, huyện vùng ven. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đầu tư trong nông nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm, chi phí đầu vào tăng cao.
Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã nêu lên các vướng mắc về xây dựng công trình sản xuất trên đất nông nghiệp.
Đại diện Công ty TNHH MTV Bò sữa TPHCM (huyện Củ Chi) bày tỏ muốn được cung cấp thêm thông tin về thủ tục và các quy định xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp như nhà kho, nhà vệ sinh, nhà lưới. Thực tế, hiện nay công ty có khoảng 3.300ha đất và đang gặp khó khi việc xin cấp phép xây dựng công trình phụ khiến hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều khó khăn khác cũng được các đơn vị đề cập như vấn đề khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển thương hiệu. Đại diện Hợp tác xã nông nghiệp xanh (Huyện Củ Chi) bày tỏ mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, kỳ vọng lãi suất 3%/năm cho ngắn hạn và 5%/năm cho dài hạn. Bên cạnh đó, các DN cũng đề xuất cần thêm các chính sách giúp hợp tác xã kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị để tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết mặc dù sản xuất nông nghiệp, nhưng khi có cấu phần xây dựng công trình phụ trợ buộc phải tuân theo Nghị định 15/2021 của Chính phủ về quy định quản lý đầu tư xây dựng.
Theo Sở Xây dựng, để hỗ trợ ngành nông nghiệp, TPHCM đã có chủ trương thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác trên địa bàn Thành phố theo văn bản 3680. Tại các huyện thí điểm, cơ sở sản xuất được xây dựng công trình phụ trợ như nhà kho, chứa phân bón, sơ chế… trên đất nông nghiệp khác.
Đại diện Sở Xây dựng cho rằng chính sách thí điểm này là hoàn toàn cần thiết nhưng vừa qua, Bộ Tư pháp đã nhắc nhở vì nội dung văn bản không phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật. Thành phố đang rà soát các huyện thí điểm chính sách này, đánh giá lại quá trình thực hiện, báo cáo lại Trung ương có giải pháp thích hợp.
Tại hội nghị, bên cạnh trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM còn giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả.
Đối với việc phát triển thương hiệu sản phẩm tại các quận huyện, nhất là sản phẩm OCOP. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, hiện Thành phố đã ban hành Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 8/6/2022 về phê duyệt Đề án OCOP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021 – 2025 được mở rộng phạm vi thực hiện trên phạm vi toàn Thành phố (giai đoạn 2019 – 2020, Chương trình OCOP chỉ được triển khai thực hiện điểm trên địa bàn 05 huyện xây dựng nông thôn mới)
Các Sở, ngành của Thành phố cũng sẽ hỗ trợ các sản phẩm OCOP của các DN nông nghiệp Thành phố.
Cụ thể, đối với Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, cấp nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ các giải pháp công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP. Sở Công Thương hỗ trợ kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đến hệ thống siêu thị hiện có trên địa bàn Thành phố. Sở Du lịch kết nối tuyến du lịch với các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP; quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đến các hệ thống nhà hàng, khách sạn…; giới thiệu sản phẩm OCOP tại các sự kiện quảng bá du lịch của Thành phố…
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Anh Lê
–
Ảnh minh họa: Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp và chính quyền Thành phố diễn ra ngày 31/8 thu hút gần 200 DN. Ảnh: VGP/HT