Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM đã triển khai hoạt động nghiên cứu chọn tạo giống cà chua bi, ớt ngọt, dưa leo… phục vụ mục tiêu, chương trình trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đơn vị này đã chọn tạo giống rau có giá trị kinh tế thích nghi với điều kiện khí hậu khu vực Nam bộ.
Cụ thể, chọn tạo được 9 dòng cà chua bi thuần cho phẩm chất trái tương đương với giống đối chứng (HT144).
Đồng thời, tạo được 3 tổ hợp lai F1 có khả năng sinh trưởng phát triển bình thường trong điều kiện nhà màng, chịu được nhiệt độ từ 35 – 45 độ C và có khả năng kháng bệnh xoăn lá do virus, bệnh héo xanh do vi khuẩn và bệnh vàng lá. Năng suất cá thể đạt từ 1,7 – 1,8 kg/cây, độ brix đạt từ 6,1 – 7,8, thích hợp cho ăn tươi và chế biến salad.
Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM cũng chọn tạo giống ớt ngọt chịu nhiệt, theo đó, đã sàng lọc được 37 cá thể thế hệ F5 – F7 có nhiều đặc điểm tốt phù hợp với yêu cầu chọn giống như: kích thước trái, hình dạng trái, màu sắc vỏ trái và khả năng kháng bệnh. Đơn vị này còn chọn tạo giống dưa leo đơn tính cái.
Cụ thể, từ năm 2018, Trung tâm đã thu thập và trồng 30 dòng/giống dưa leo có nguồn gốc từ Hà Lan, Israel, Nga, Việt Nam. Dựa trên các đặc điểm hình thái khác nhau như màu vỏ trái, chiều dài trái, khối lượng đã chọn được 1.011 cá thể ở thế hệ F3 – F4.
Để đạt kết quả trên, đơn vị đã ứng dụng chỉ thị sinh học phân tử để tạo giống dưa leo kháng virus bằng công nghệ chỉnh sửa gen; tạo dòng thuần ớt ngọt bằng kỹthuật nuôi cấy đơn bội.
Ngoài ra, ứng dụng chỉ thị phân tử SSR, SNP để xác định độ thuần các dòng cà chua bi được chọn lọc tại trung tâm, bước đầu đã sàng lọc được một số SSR, SNP đặc trưng trên 9 dòng cà chua bi được chọn lọc có tiềm năng sử dụng trong lai tạo.