WHO cân nhắc khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 4/8 cho biết, ông đang cân nhắc việc triệu tập một ủy ban chuyên gia để tư vấn về việc có nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ hay không.

Người đứng đầu WHO cho biết, cơ quan này cùng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, chính phủ các nước và các đối tác đang tăng cường ứng phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ (mpox).

Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là mức báo động cao nhất mà WHO có thể đưa ra đối với một dịch bệnh. Với tư cách là tổng giám đốc WHO, ông Tedros có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp như vậy theo lời khuyên của một ủy ban gồm các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Ông nêu rõ: “Tôi đang cân nhắc việc triệu tập một ủy ban khẩn cấp để đánh giá khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ vốn đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại hay không. Tuy nhiên, cần thêm kinh phí và hỗ trợ để có phản ứng toàn diện”.

Trước đó, trong báo cáo công bố ngày 31/7, CDC châu Phi cho biết, bệnh đậu mùa khỉ mpox hiện đã được phát hiện ở 10 quốc gia châu Phi trong năm nay. Kể từ đầu năm 2024 đến nay, có tổng cộng 14.250 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và 456 ca tử vong đã được báo cáo từ 10 quốc gia châu Phi (tỷ lệ tử vong là 3,2%). So với 7 tháng đầu năm 2023, số ca mắc bệnh trong năm nay tăng 160%, số ca tử vong tăng 19%.

Theo CDC châu Phi, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 28/7/2024, tổng cộng có 37.583 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và 1.451 ca tử vong đã được báo cáo từ 15 quốc gia châu Phi. Trong đó, 10 quốc gia châu Phi đã báo cáo các ca mắc bệnh đậu mùa mới trong năm nay bao gồm: Burundi, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ghana, Liberia, Nigeria, Rwanda và Nam Phi.

Trong đó, Congo chiếm hơn 96% tổng số ca mắc và tử vong. Các quan chức cho biết gần 70% các trường hợp mắc bệnh mpox ở Congo là ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm, lần đầu tiên được xác định ở người vào năm 1970 tại Congo. Bệnh này đã xuất hiện trong nhiều năm ở một số quốc gia Tây và Trung Phi, khi virus lây truyền từ động vật bị nhiễm bệnh sang người.

Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, nhưng với một số người khác bệnh có triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế.

Triệu chứng điển hình về bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu giật, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, tăng bạch huyết.

Tháng 7/2022, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) và tái khẳng định quy chế này vào tháng 11/2022 và tháng 2/2023. Tháng 5/2023, WHO dỡ bỏ PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với một dịch bệnh./.

P.G
(theo Barron’s, Ahram Online/AFP)

  • Hình bìa: WHO cân nhắc khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: AFP)

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam

Recommended For You

Để lại một bình luận