Mục tiêu đến năm 2030, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Khoa học-Công nghệ và Đổi mới sáng tạo quốc tế.
Ngày 10/1, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Chiến lược phát triển Khu Công nghệ cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 3 khu công nghệ cao quốc gia, với sứ mệnh kiến tạo, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, chiến lược cho quốc gia, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến nay, Khu Công nghệ cao đã và đang thu hút một lượng lớn các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước, tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sôi động.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, cùng với Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thì việc xây dựng Chiến lược phát triển Khu Công nghệ cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cần thiết.
Trong đó, việc xác định các nhóm giải pháp cho Khu Công nghệ cao gồm: các lĩnh vực ưu tiên thu hút; xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu, đổi mới vững mạnh; tăng cường phát triển và thu hút nhân tài; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và hợp tác kiến thức… là tiền đề quan trọng để xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để thực hiện tốt vai trò không thể thay thế của mình, Khu Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cần vươn lên những đỉnh cao mới trong giai đoạn 20 năm tới.
Trong đó, chú trọng tập trung nâng cao năng lực R&D, tăng tốc nghiên cứu triển khai công nghệ cao từ năng lực nội sinh; đổi mới mô hình “Ban Quản lý Khu Công nghệ cao” và nâng cấp Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Thực tế, không gian Khu Công nghệ cao hiện nay đã bão hòa về mặt bằng diện tích, đang phát triển theo chiều sâu về trình độ nghiên cứu khoa học-công nghệ, chất lượng sản phẩm, hiệu quả đầu tư.
Do đó, trong giai đoạn mới, để cho động lực của đầu tàu kinh tế cả nước được tăng cường sức mạnh thì việc phát triển công nghệ cao từ R&D đến ươm tạo và thương mại hóa công nghệ ra thị trường đang đặt ra yêu cầu cấp thiết.
Theo Chiến lược phát triển Khu Công nghệ cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc tế, góp phần chuyển đổi kinh tế xanh và bền vững, đóng vai trò là trung tâm của các cụm liên kết đổi mới sáng tạo trong khu vực, là hạt nhân của thành phố Thủ Đức, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng đến năm 2030, mục tiêu đề ra về doanh thu đạt 30 tỷ USD từ các hoạt động công nghệ cao; đào tạo và thu hút 20.000 nhân sự chất lượng cao, bao gồm ít nhất 20% chuyên gia quốc tế.
Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo chiếm 40% trong tổng số doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao; tỷ lệ ứng dụng kết quả sau nghiệm thu của nhiệm vụ khoa học-công nghệ đạt hơn 70%, ứng dụng trực tiếp cho doanh nghiệp đạt 60%.
Số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm, số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm, tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8-10%…
Tầm nhìn đến năm 2045, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh trở thành “trung gian đổi mới thông minh” có tầm nhìn toàn cầu với cơ sở hạ tầng chuyên biệt và một môi trường thân thiện cho đổi mới với vị thế trung tâm của các cụm đổi mới trong khu vực theo tiêu chuẩn quốc tế.
Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp mới nổi, tạo việc làm thu nhập cao dựa trên R&D (nghiên cứu và phát triển) và thương mại hóa với quỹ đạo công nghệ vượt trội…
CAO TÂN
- Hình bìa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Cường, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.
Nguồn: Báo Nhân Dân