Xin một nhành đỏ mãi ở trong tim

Cô giáo Trần Thị Kim Ngân là một giáo viên dạy môn Lịch sử, gắn bó cả cuộc đời với nghề dạy học. Thời gian cuối trước khi nghỉ hưu, chị là ThS Sử học, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Phổ thông, Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Lâm Đồng. Cô giáo dạy Sử, gắn bó với sự nghiệp giáo dục, mang tâm hồn thơ ca gần đây đã cho ra mắt một tập thơ có tên Ta ngồi gom tuổi cũ (NXB Văn học, 2024).

Đọc xong tập thơ Ta ngồi gom tuổi cũ của tác giả Trần Thị Kim Ngân, ta cũng như lạc vào thế giới cảm xúc của chị. Hoài niệm về một thời chưa cũ, nuối tiếc thời gian nghiệt ngã trôi đi một thời hoa mộng, trăn trở với những nỗi niềm riêng, nỗi niềm nhân thế, thăm thẳm cô đơn nhưng cũng tràn trề niềm hy vọng… đó là những gì được thể hiện qua gần năm chục bài thơ được in trong tập.

Ý thức được thời gian như “bóng câu” trôi qua vùn vụt mà tuổi trẻ thì như mùa xuân đẹp và tràn đầy hy vọng, vì vậy với một trái tim mong manh và nhạy cảm, một cảm thức như là sự nuối tiếc thời gian xuyên suốt qua nhiều bài thơ:

“Những tháng ngày dắt díu qua mau
Tim yêu thương không kịp cùng nhịp bước
Hối hả niềm tháng Ba về phía trước”
(Tự khúc);

“Mùa xuân rồi cũng qua rất mau
Cành đào đã không còn phơi nụ
Cánh hồng tàn nhẹ rơi trên lối cũ
Thời gian cứ thản nhiên trôi
Mùa nối mùa đi về phía xa xôi”
(Tháng Ba);

hay

“Đi qua những mùa oải hương
Thiên đường nhuộm một màu biêng biếc tím
Nhịp thời gian, giọt cà phê đằm lịm
Rơi xuống chiều vội vã tháng năm trôi”
(Nhớ oải hương).

Như ý thức được quy luật của thời gian, yêu và tin vào cuộc sống, người thơ đã sống trọn tình với những cung bậc cảm xúc, gom góp yêu thương, niềm vui cho cuộc sống:

“Nhưng lúc này ta vẫn vẹn đắm say
Niềm hạnh phúc mỗi ngày là có thật
Em cất giữ niềm yêu như vị mật
Gửi ngọt ngào nơi anh với yêu thương”
(Tin ở hoa hồng);

“Có một niềm vui
Mỏng manh quanh đây
Đọng trên môi nụ cười hy vọng
Một ngày quanh phố rộn ràng”
(Mong manh).

Người thơ đã vượt lên nỗi buồn để trọn niềm vui sống:

“Thả giọt buồn xuống biển lúc bình minh
Khóc cười mãi giữa yêu thương ngây ngất
Lòng thầm hát một khúc ca rất thật
Gửi ban mai niềm nhớ phủ quanh người”
(Biển bình minh).

Nhưng thời gian thì vẫn vậy, cứ vô tình trôi đi một cách đầy nghiệt ngã. Dù có lạc quan vui sống bao nhiêu thì “cái tuổi nó đuổi xuân đi”, cái mộng mơ hồn nhiên dần phai nhạt dẫu cho lòng người muốn níu kéo bao nhiêu:

“Thảng thốt giật mình trở lại tuổi năm mươi
Gom buồn vui lấp trăm ngàn vụn vỡ
Ngày nối đêm rồi thương nối nhớ
Sóng nối bờ sóng lại trở khơi xa”
(Biển bình minh);

“Gói những hoàng hôn trong sắc nắng chiều
Chợt nhận ra ta không còn trẻ nữa
Chẳng lời nguyện nào từ mùa xưa cũ
Chỉ nỗi nhớ dài đổ về phía mùa đông”
(Khúc giao mùa).

Như là một quy luật của tạo hóa, người thơ dường đã nhận thức được quy luật đấy để dù có tiếc nuối, vẫn trải lòng đón nhận sự chuyển động vần xoay của trời đất. Thơ của Trần Thị Kim Ngân có nhiều bài về cảm xúc tháng Ba, về tháng Mười heo may rồi nhiều bài viết về mùa đông.

Cảm xúc trào dâng khi thời gian trôi, với chị dường như muốn trải nghiệm cái muôn màu của thời gian mùa hạ, mùa thu, mùa đông hơn là cứ ca tụng mãi mùa xuân:

“Năm tháng đã phủ dày mái tóc
Tháng Ba đến rồi đi xé ngang tờ lịch bóc
Chẳng lỗi hẹn bao giờ mà vẫn trọn bâng khuâng”
(Tháng Ba);

“Tháng Ba về người ơi có biết không
Môi hát mãi khúc tình ca mùa cũ
Cất trong nhau những nồng nàn cho đủ
Thả vào chiều diệu vợi tháng Ba tôi”
(Khúc tình ca mùa cũ).

Và đây là tháng Mười của chị:

“Tháng Mười rải xuống con đường
Cho ta nhặt hết vấn vương một đời
Giọt mưa ướt cả nụ cười
Tay đan sưởi ấm tháng Mười heo may”
(Tháng Mười heo may).

Còn mùa đông trong thơ Trần Thị Kim Ngân thì:

“Tôi cầm mùa đông trên tay
Heo may quấn đầy tóc rối
Đã qua tháng ngày nông nổi
Vẫn mênh mang mỗi đông kề”
(Tình khúc mùa đông);

hay:

“Cho một ngày bừng tỉnh những hoang mê
Gom tàn lá cháy những chiều vụng dại
Thắp lửa ấm sưởi ngày đông tê tái
Đời chậm trôi trong màu nắng quỳ vàng”
(Tự khúc mùa đông);

“Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa ngang qua
Cơn gió mỏng cũng mang màu đỏ lửa
Kỷ niệm ngày đông cháy bên hồ loang nước
Trôi miên man dịu mát tận đáy lòng”
(Kỷ niệm rơi).

Thơ Trần Thị Kim Ngân giàu suy tưởng, man mác buồn với những nỗi nhớ liên tưởng theo thời gian hoang hoải mà đằm sâu trong ký ức. Chị mượn cơn mưa để nói hộ lòng mình:

“Cứ rơi đi bên thềm nhiều hoa trắng
Đã khác ngày xưa dù lòng trĩu nặng
Buồn vui tôi gom cất tận đáy lòng
Mùa theo mùa năm tháng vẫn đi rong”
(Thơ tình ngày mưa).

Nhiều khi đối diện với nỗi buồn diệu vợi:

“Đêm vời vợi trôi dài như tiếng thở
Giấc mơ chẳng về ôm ấp hoang mang
Kiếm tìm gì trong muôn nỗi đa mang
Đôi bàn tay trở phía nào cũng thiếu
Trọ buồn vui vào xênh xang diệu vợi”
(Tiếng đêm).

Và có nỗi buồn nào hơn bằng nỗi chia xa, dẫu biết rồi không tránh khỏi xoay vần của tạo hóa:

“Rồi chúng ta cũng thành phế tích
Của một ai đó hay chính cõi đời này
Thời gian vẽ hình hài chính nó
Lên rong rêu và đất phủ tàn tro”
(Phế tích);

“Chẳng phải vui buồn cũng chẳng cuốn si mê
Đời chênh vênh ta chia nhau bước vội
Dẫu mai này không còn về chung lối
Ngã rẽ nào cũng mặn tái vành môi”
(Nắng hoàng hôn).

Trần Thị Kim Ngân cứ viết hồn nhiên khi cảm xúc đến, chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà thơ nhưng thơ chị có nhiều tứ lạ và mới, được kết cấu gọn, chặt chẽ, có nhiều từ và câu hay găm vào cảm xúc và trí nhớ người đọc.

Tạo hóa xoay vần, đất trời, cỏ cây luôn thay đổi, lòng người cũng biến chuyển theo thời gian. Không buồn sao được, nhất là người có trái tim thi sĩ, nhạy cảm trước cuộc đời vốn dĩ rất mong manh. Nhưng thơ Trần Thị Kim Ngân không chỉ có những man mác nỗi niềm mà còn có nhiều tin yêu và hy vọng.

Trái tim nhân hậu của chị đã gửi vào những vần thơ niềm vui sống, khát khao sống và gieo niềm tin, hy vọng cho cuộc đời:

“Cầm trên tay những được mất đã qua
Nhẹ nụ cười tiếng chim vờn biển biếc
Vẫn sẽ hát tình ca không nuối tiếc”
(Biển bình minh);

hay:

“Ngày nối ngày đêm tối nối bình minh
Ta nối đời mình bằng yêu thương như đã
Nắng vẫn vàng mưa vẫn rơi trên lá
Nối buồn vui ta sống trọn một đời”
(Khúc giao mùa);

Và hơn nữa:

“Xuân đang về người ơi có biết không
Bao thao thiết trao những ngày đông giá
Hoa đua nở ven dặm dài quen lạ
Xin một nhành đỏ mãi ở trong tim”
(Sắc nhớ).

PGS.TS, nhà thơ NGÔ MINH OANH

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Recommended For You

Để lại một bình luận