Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đã nhiều lần tôi được xem 2 bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” và “Mẹ con người tử tù” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Lòng tràn đầy thán phục, mong một ngày gặp mặt. Tôi đâu ngờ, ông với tôi ở cùng một huyện (Hàm Tân, Bình Thuận nay là thị xã La Gi ). Ông ở phố biển La Gi tôi ở Tân An cách nhau cánh đồng Tân Thiện.
Vậy mà mãi 19 năm sau (1975-1994) tình cờ trong hội nghị Hội Văn nghệ tỉnh Bình Thuận họp tại Phan Thiết, khi anh Mai Sơn nguyên Phó Tổng biên tập báo văn nghệ, đứng lên giới thiệu vị khách mời đặc biệt: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, tác giả bức ảnh nổi tiếng “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn”.
Cả hội trường nhốn nháo dồn mắt kiếm tìm, tôi mới nhận ra ở góc khuất cuối hội trường: Một ông già tuổi trạc 70, tóc bạc, cắt ngắn, thân hình ốm yếu, trông giống nhà giáo hơn là nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Giờ giải lao hôm đó, tôi đến làm quen, được ông mời chụp hình lưu niệm cùng với nhạc sĩ Tô Quyên (Minh Quốc) tác giả phổ nhạc “Tình đồng chí” và mấy anh em văn nghệ Hàm Tân (nay là La Gi). Khách đông, tôi thuộc lớp nhỏ tuổi, không dám chuyện trò nhiều. Buổi trưa tôi lặng lẽ đứng trên lầu 2 nhà khách UBND tỉnh, nhìn ông với chiếc máy ảnh, cái bóng nhỏ liêu xiêu dọc bờ sông Cà Ty trong ánh nắng lấp lóa trưa miền biển, để được chiêm ngưỡng tính nghệ sĩ của con người nghệ sĩ.
Tháng 10/1995, Chi hội văn nghệ Hàm Tân tổ chức lễ chúc thọ mừng nghệ sĩ tròn 70 tuổi. Trong căn gác nhỏ ngôi nhà tự của dòng họ Lâm. Quây quần bên tách trà thơm nóng hổi, Đảng, chính quyền, đoàn thể, bà con gia tộc, bạn bè, con cháu gần xa tặng hoa, tặng quà mừng thọ. Trong không khí đầm ấm như xuân ấy, đôi lúc tôi lại bắt gặp một nỗi buồn mênh mông trong đôi mắt người nghệ sĩ.
Cơn gió lắt lay ánh chiều vàng bên ô cửa nhỏ. Tiếng sóng biển mài mòn trên cát. Hình như người nghệ sĩ đang khóc? Không phải hình như mà thực sự ông đã khóc. Bao nỗi nhớ cứ trào về, qua đôi mắt tuôn ra thành lệ. Tôi ngồi im, nghe trên đầu lưỡi tê tê mằn mặn. Ông nói giọng rất nhỏ, gần như thầm thì: “Mình còn sống đến hôm nay là hạnh phúc lắm rồi, lại được bà con, bạn bè chúc thọ, còn gì vui bằng.
Nhưng vui nhiều, nhớ nhiều. Nhớ những năm tháng được sống gần bên Bác, nhớ đóa hồng Bác tặng, điếu thuốc lá Bác trao.
Nhớ lần cuối cùng được chụp ảnh Bác trong buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tại Hà Nội.
Nhớ bạn bè, những đồng nghiệp đã ngã xuống. Nhớ Trường Sơn, nhớ Lào…”.
Để bớt không khí buồn trong ngày vui. Chúng tôi đề nghị được xem ảnh tư liệu, được nghe ông kể về cuộc đời hoạt động.
Căn phòng quá nhỏ không đủ để trưng bày ảnh, mỗi người tranh thủ chuyền tay xem từng tập ảnh. Ngoài 2 bức ảnh nổi tiếng nói trên, chúng tôi còn tận mắt xem hàng trăm bức ảnh khác: Ảnh chụp thời sự ở Lào. Ảnh chụp sự kiện chính trị, ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta. Ảnh tư liệu lịch sử về hoạt động của Bác Hồ. Ảnh B52 rơi trên bầu trời Hà Nội. Ảnh Bác Hồ với các dũng sĩ miền Nam. Ảnh ông được Bác mời thuốc lá. ảnh ông chụp chung với Hoàng thân Xu-Pha-Nu-Vông… Đúng là kho tàn ảnh tư liệu quý.
Chiều sà xuống thật nhanh. Lời tâm tình của ông như níu kéo, như vội vã. Căn bệnh quái ác ở họng khiến cho giọng ông ngày càng khàn đi và nhỏ lại. Chúng tôi ngồi im lặng lắng nghe. Từng câu, từng câu, nhè nhẹ chơi vơi trong căn phòng nhỏ.
Ông nói lời cảm ơn Đảng, chính quyền, bà con, bè bạn. Ông nói về La Gi, mảnh đất ông đựơc sinh ra và lớn lên. Ông nói về biển, về tấm lòng nhân ái của người xứ biển.
Có lẽ đối với ông, bao giờ cũng vậy, nhẹ nhàng, khiêm tốn, đức độ. Một nghệ sĩ chân chính, một đảng viên gương mẫu, một người anh bao dung, một người chồng, người cha trách nhiệm. Dù một cảnh đôi quê, đi đi, về về nhưng đối với tổ chức, với trách nhiệm công dân, ông bao giờ cũng tôn trọng.
Nói về nhiếp ảnh, ông không bắt đầu từ sự thành công của mình, mà ông bắt đầu từ nhân cách của người cầm máy: “Người ta chỉ nghĩ đến nhiếp ảnh qua kỹ thuật chụp ảnh đơn thuần, sao chép hiện tượng. Mấy ai để ý chụp sao cho nó đẹp cái tiềm ẩn bên trong của tâm hồn.
Trong lĩnh vực thông tin báo chí, nhiếp ảnh phải tuyệt đối chân thực. Đó là nguyên tắc, quan điểm thật thà của người làm báo”.
Tôi không thường xuyên chụp ảnh, nhưng qua lời nói chân tình đó, tôi đã tìm được cho mình bài học giá trị đích thực về nhân cách, điều mà ông gọi là “cái đẹp tiềm ẩn bên trong tâm hồn”.
Một phút im lặng trôi qua. Trong đôi mắt kia, những khoảng lặng êm đềm chìm về xa xăm, trên gương mặt đó nét buồn, vui lẫn lộn như màu nắng vàng trong cơn mưa rây bất chợt. Ông nở nụ cười đôn hậu, rồi từ tốn kể về cuộc đời cầm máy của mình:
“Năm 1954 tập kết ra Bắc, được đào tạo thành phóng viên nhiếp ảnh Thông Tấn xã Việt Nam, phụ trách chụp ảnh tin tức và sự kiện. Những ngày đầu tiên trong cuộc đời cầm máy, tôi đã lặng lội đến từng vùng quê, từng nhà máy, hầm mỏ, hải đảo, nông trường để ghi lại hình ảnh nhân dân ta lao động, sáng tạo, xây dựng cuộc sống mới. Năm 1961, theo hiệp định trao đổi kinh tế văn hóa giữa Việt Nam và Lào, tôi lại lên đường sang nước bạn. 3 năm làm nhiệm vụ quốc tế tôi đã ghi lại nhiều bức ảnh về sự kiện chính trị, ngoại giao như: Hội nghị ba phái họp tại HinHop, hội nghị quốc tế Na-Mon và hình ảnh hoạt động của Hoàng thân Xu-Pha-Nu-Vông, Hoàng thân Thủ tướng Xu-Pha-Nu-Ma.
Năm 1964 về nước, tôi được Bộ biên tập TTXVN giao cho công việc chụp ảnh tin tức, sự kiện về chính trị, ngoại giao, hoạt động của Bác Hồ và hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Những hình ảnh mà suốt đời tôi không thể nào quên được: Bác Hồ trong “Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước” năm 1966 – Bác Hồ tặng hoa mẹ Suốt, người Mẹ Anh hùng trên dòng sông Nhật Lệ – Bác Hồ chúc tết đồng bào cả nước năm Mậu Thân (1968)-Bác Hồ với dũng sĩ miền Nam. Bác Hồ đọc lời chúc tết trong đêm giao thừa năm Kỷ Dậu. Xúc động nhất là hình ảnh Bác về trồng cây tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì vào sáng mồng 2 tết năm 1969. Lúc ấy Bác yếu, đi phải có người dìu.
Tháng 6/1969 tôi đi chụp ảnh Bác lần cuối cùng, đó là dịp Bác đến dự buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại Hà Nội. Từ đó tôi không có cơ hội đi chụp ảnh Bác nữa… Rồi một hôm tôi được phân công đi chụp ảnh cuộc họp đột xuất của Hội đồng Chính phủ: Đất trời như tối lại, chiếc máy ảnh trong tay tôi run lên, nước mắt đầm đìa khi nghe Thủ tướng Phạm văn Đồng đau đớn báo tin: “… Một con người hơn 60 năm đã sống và chiến đấu kiên cường, nay không còn nữa”. Vậy là hết Bác đã ra đi. Ngày tang lễ Bác, trước ống kính tôi biết bao cảnh tượng đau buồn.
Sau ngày Bác mất, tôi còn có dịp trở lại căn nhà, khu vườn của Bác để ghi lại những tư liệu lịch sử.
Năm 1970, tôi được TTXVN cử sang Bắc Kinh chụp ảnh hội nghị trù bị lãnh đạo 3 nước Đông Dương, và sau đó hội nghị chính thức tại Quảng Châu, Trung Quốc. Bức ảnh Xem Đéc No Ro Đom Xi Ha Nuc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Hoàng thân Xu-Pha-Nu-Vông khoác tay đoàn kết được truyền đi trên các báo trong và ngoài nước.
Năm 1973 khi Mỹ thất bại trong cuộc tập kích bằng không lực tại Hà Nội, tôi được Bộ Ngoại giao và TTXVN cử đi chụp ảnh hội nghị Paris, về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam.
Ngày 26/3/1975 theo đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn, tôi đã lần lượt ghi lại hình ảnh giải phóng Huế, Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải miền Trung, Biên Hòa, và ngày 30/4/1975 vượt qua chặng dường dài 1.800 km, đúng 11 giờ trưa tôi có mặt tại dinh Độc Lập ghi lại hình ảnh Sài Gòn giải phóng”.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông về công tác tại Thông tấn xã Giải phóng. Năm 1981 nghỉ hưu.
Gần 30 năm cầm máy, có mặt khắp mọi miền đất nước, ông đã ghi lại không biết bao nhiêu hình ảnh, sự kiện nóng bỏng, có giá trị lịch sử, nhưng ấn tượng nhất là 2 bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” và “Mẹ con người tử tù”. Cách nhau 25 năm (1960-1975), 2 bức ảnh, 2 sự kiện, 2 thời điểm, 2 khoảnh khắc, 2 niềm vui. Sự mở đầu và khép lại thật tuyệt vời, hình ảnh của người chiến thắng.
Kể về hoàn cảnh chụp bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” ông nói: “Năm 1960, được cơ quan TTXVN giao nhiệm vụ chụp ảnh dạ hội nhân dân thủ đô Hà Nội mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 tại công viên Bách Thảo. Lần đầu tiên tôi hồi hộp khi trông thấy Bác Hồ đích thực xuất hiện. Đêm đó Bác cùng với các đại biểu đến nghe nhạc giao hưởng. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Bác lên sân khấu cầm đũa bắt nhịp bài ca kết đoàn”. Dừng kể, ông chuyển giọng hát say sưa bài ca kết đoàn. Căn phòng nhỏ rộn lên tiếng vỗ tay, tiếng hát phụ họa.
“… Lúc ấy Bác cầm đũa hướng về phía nhạc công, quay lưng về phía ống kính máy ảnh của các nhà báo trong và ngoài nước. Khi nghe bài ca được khởi xướng hùng tráng: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh, kết đoàn chúng ta là sắt gan…”.
Lúc đầu tôi chưa biết phải chụp như thế nào, vì chưa có kinh nghiệm nên rất lo lắng. Song nhờ quan sát, nên tôi quyết định chọn góc độ chụp sau lưng Bác, cách khoảng 5 mét. Tôi dự kiến, khi Bác quay người sang cánh nhà báo, tôi sẽ chụp được chân dung, trước bối cảnh đẹp của buổi biểu diễn.
Lúc đó cũng có nhiều phóng viên chọn góc độ như tôi, nhưng vì quá lâu, bài nhạc lại sắp kết thúc, nôn nóng, họ bỏ vị trí chuyển vào bên trong để chụp ra. Còn lại một mình, tôi kiên trì quan sát và chờ đợi.
Quả nhiên khi bài nhạc sắp kết thúc, đến đoạn “tiến lên! Theo ngọn cờ tự do đang reo, vầng lên ánh dương xây đời mới, trong dân chủ mới”, Bác liền quay ra phía ống kính của tôi với tư thế người nhạc trưởng bắt nhịp rất đẹp. Lập tức, tôi không bỏ lỡ thời cơ bấm máy. Chiếc máy ảnh Rolleifer với khẩu độ F 5.6 và tốc độ 1/50 giây, hoạt động qua dây đồng bộ, chiếc đèn flash Braun phát ra tia chớp, hình tượng Bác mặc áo lụa trắng sáng lên trên nền sẫm của nhạc công và tốp đồng ca. Chỉ một kiểu phim 6 x 6 cm, bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” ra đời.
46 năm trôi qua, bức ảnh đã được cả hành tinh biết đến, nhưng mấy ai rõ được cái khoảnh khắc vàng trong đêm dạ hội, được lóe lên bằng sự kiên trì và thông minh của chàng phóng viên 35 tuổi.
Với bức ảnh “Mẹ con người tử tù” ông lại gặp một cơ duyên khác: “Hôm ấy ngày 6/5/1975, được tin có chuyến tàu chở 36 tử tù từ Côn Đảo về đất liền, cập bến Vũng Tàu. Tôi được tổ chức phân công đi chụp ảnh ghi lại sự kiện trên.
Nhưng do phương tiện giao thông trục trặc, nên đến nơi đã quá muộn. Lúc này anh em tử tù đã tập trung nghỉ ngơi ở trại huấn luyện của cảnh sát ngụy. Buồn, lang thang ở cổng ra vào, chợt thấy một bà già với chiếc khăn rằn vắt vai đang hớt hải chạy tìm con. Giây phút hội ngộ bất ngờ. Hai mẹ con ôm choàng nhau và khóc ngất. Tôi nâng máy bấm liên tục 8 kiểu và nghe trên mắt mình cay sè vì xúc động. Ít lâu sau bức ảnh “Mẹ con người tử tù” được đăng tải trên các báo trong và ngoài nước”.
31 năm trôi qua, bức ảnh vẫn còn nguyên giá trị, nó được xem như biểu tượng về tấm lòng nhân hậu và sự kiên cường của người Mẹ Việt Nam. Người trong bức ảnh là mẹ Trần Thị Bình và anh Lê Văn Thức quê ở Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Với bức ảnh này, năm 1991 ông Lâm Hồng Long được Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) họp lần thứ 21 tại Tây Ban Nha, trao bằng tuyên dương danh dự, đồng thời kết nạp ông thành hội viên của liên đoàn.
Thế đó, vui buồn một đời cầm máy.
Hoàng hôn vàng rơi nhanh, màu chạng vạng lan tràn. Phố biển lên đèn. Ngoài kia ở cuối chân trời chút nắng cuối ngày còn sót lại. Chia tay với nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, tôi nhớ hoài cái bóng nhỏ liêu xiêu ở dọc bờ sông Cà Ty hôm ấy. Nhớ hoài những khoảng lặng xa xăm trong đáy mắt và nụ cười đôn hậu trên đôi môi.
Ghi nhận đóng góp của ông. Ngày 10/9/1996, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định số 991 KT/CTN tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho 77 cụm công trình, cụm tác phẩm đặc biệt và xuất sắc về khoa học, kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh có tên nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Ngày 21/3/1997 ông đã từ trần tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 72 tuổi. Hôm nay nhớ lại lòng tôi vẫn còn xao xuyến. |
NGÔ VĂN TUẤN
- Hình bìa: Khoảnh khắc quý giá “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”mà nghệ sĩ Lâm Hồng Long đã ghi được.
Nguồn: Báo Bình Thuận