Hầu hết đất canh tác ở đồng bằng sông Cửu Long đều thiếu calci, nhất là vùng đất sét và phèn là vùng đất chua độ pH đất rất thấp vì vậy cần bón vôi để nâng độ pH của đất lên (còn gọi là cải tạo đất). Cây ăn trái nói chung và cây nhãn nói riêng trước khi trồng phải cải tạo đất (cải tạo độ pH của đất).
Bón vôi
Vôi có 3 loại:
- Bột đá vôi (CaCO3), được làm ra bằng cách nghiền mịn đá vôi. Loại này tác dụng chậm, thường từ 2 – 6 tháng sau khi bón tùy theo độ mịn của bột đá;
- Vôi nung (CaO), được tạo ra bằng cách nung đá vôi trong lò nung như làm gạch ở nhiệt độ khoảng 900 – 1.000 độ C. Loại này tác dụng mạnh và nhanh nhất nhưng dễ gây bỏng khi gặp nước;
- Vôi tôi (Ca(OH)2), được tạo ra bằng cách tưới lên vôi nung một lượng nước gần bằng trọng lượng của nó, lúc đó vôi rã ra thành bột, sinh nhiệt (khoảng 150 độ C) và bốc hơi, sau đó để nguội rồi mới bón. Dạng vôi này tác dụng cũng khá nhanh.
Cách bón
Đất đã trồng cây ăn trái rồi, nên trước khi bón vôi cần dùng cuốc, cuốc đất xung quanh gốc cây sau đó rắc vôi bột đều rồi dùng cuốc đảo sau đó phải tưới một lượng nước ngọt dư thừa để rửa mặn ra khỏi liếp, rồi mới bón super lân, phân chuồng hoai mục.