Trưởng thôn Ma Seo Páo, thôn Lũng Pô 2, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai – một thôn có 100% hộ người Mông định cư – là một tấm gương điển hình tiên tiến trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi trọc trong cộng đồng dân tộc H’Mông tại Bát Xát – Lào Cai, đã được tỉnh Lào Cai ghi nhận.
Trưởng thôn Ma Seo Páo tâm sự: “Làm trưởng thôn, một thôn chỉ hơn 30 hộ dân, hàng năm Nhà nước hỗ trợ nhiều nhưng vẫn nghèo đói, trẻ con chỉ học hết tiểu học. Ăn mãi hỗ trợ cũng phải nghĩ chứ! Mình không bảo được dân đã đành lại lốc thốc theo dân làng du canh du cư bao lần rồi, biến rừng xanh thành đất trọc xói mòn, gây bao thảm họa lũ quét, mình ngán lắm nhưng bảo dân ra sao đây? Nghĩ thế chỉ biết thế, chưa biết làm gì thay đổi cuộc sống cho mình, cho dân làng mình, Ma Seo Páo trăn trở lắm!”
Dịp xuân 2006, anh xuống bản Pho thuộc huyện Bát Xát thăm người anh em. Thấy đất đai ở Lũng Pô có vẻ màu mỡ, anh quyết định ở lui lại, phát một mảnh đồi, gieo thử bắp, lúa và một số loại cây hoa màu khác.
Quả thật, đất không phụ người, với mười cân giống lúa Séng Cù, khi thu hoạch cho tới hơn bốn tạ thóc. Nương bắp lên ngùn ngụt, mảy và sai hạt.
Mừng quá! Anh bật ra ý tưởng vận động bà con làng mình dời làng xuống đây làm ăn. Ở đây gần suối, tiện cho việc làm ruộng nước, trồng màu. Đồi nương lại màu mỡ, nắm đất cứ bở tơi như củ mài nướng. Ma Seo Páo vận động dân bản trong các cuộc họp thôn, mới đầu ai cũng e ngại, đắn đo. Anh phải vận động nhiều lắm, cuối cùng mọi người cũng nghe ra.
Ban đầu có 19 hộ dân từ Ngải Thầu – Dìn Chin (Mường Khương) về Lũng Pô – A Mú Sung (Bát Xát). Nhà nước hỗ trợ kinh phí và lo việc vận chuyển nhà cửa, san gạt mặt bằng làm nhà… Một tháng sau, căn nhà cuối cùng cũng được làm xong. Dân làng bắt đầu vào việc phát nương trồng cây lương thực. Mỗi nhà được xã chia 3 ha đất để canh tác. Người dân hồi hộp bước vào vụ đầu tiên trên đất mới khai phá. Những hạt bắp, lúa giống đem tận Mường Khương về được gieo trên đất Bát Xát lên xanh tốt bời bời.
Chưa dừng lại, trước đó thấy bà con dân tộc mình ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương trồng dứa, chuối đem lại nguồn thu đáng kể, anh Páo đi đến đó học tập kỹ thuật trồng dứa, chuối và đem về trồng thử. Đất đai thổ nhưỡng phù hợp, cây dứa, cây chuối cho năng suất cao.
Thế là các gia đình trong thôn mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện về đầu tư giống và phân bón. Chuối, dứa được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật đã cho thu hoạch vụ đầu với năng suất cao, trái dứa to, ngọt, buồng chuối ghép mô sai trái, trái to được đánh giá đạt chất lượng tốt. Xe thu mua vào tận thôn…
Những ngày cân dứa, cân chuối, bà con vui như hội. Ai cũng hân hoan. Ma Seo Páo lòng dạ cứ tưng tưng như con sáo đang nhảy nhót hót vang trong đó. Hôm qua, anh vừa về Mường Khương. Số dân làng cũ giờ mới tin tưởng nơi quê mới đang tấp nập dọn đồ để chuyển hết ra Lũng Pô làm ăn.
Ngắm rừng chuối bạt ngàn những buồng chuối to, thây lẩy trái xanh biếc như ngọc trên các khoảnh đồi trước mặt, tôi mường tượng đến một ngày, mảnh đất giáp biên của miền cực Bắc huyện Bát Xát sẽ xanh ngắt màu xanh trù phú dưới bàn tay lao động và trí tuệ. Với người Mông, nơi đây càng thấm thía hơn câu nói an cư lạc nghiệp. Và cái tập tục du canh du cư lạc hậu bao đời, giờ chỉ còn trong những câu chuyện bên bếp lửa truyền cho con cháu hiểu thêm về nguồn cội mình.