Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 203/TB-VPCP ngày 6/5/2024 thông báo kết luận Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Văn bản nêu rõ, đến nay các bộ, ngành, địa phương đã xác lập được 2.398 cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung. Trong đó, các CSDL quốc gia, chuyên ngành được tập trung đẩy mạnh xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu. CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp nhà nước. Cấp trên 86 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt gần 54 triệu tài khoản; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, đã có gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12,9 nghìn tỷ đồng. Triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu toàn trình, tăng 05 dịch vụ công thiết yếu so với cuối năm 2023. Tính riêng 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm, đã tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng.
Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển tích cực. Trong Quý I năm 2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 31 tỷ USD, tăng 17%. Hiện có 8,2 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó hơn 5,8 triệu khách hàng tại vùng nông thôn, miền núi; 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, tập trung chỉ đạo quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; với tinh thần “3 tăng cường” và “5 đẩy mạnh”.
Tinh thần “3 tăng cường” gồm:
- (i) Tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu;
- (ii) Tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực;
- (iii) Tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội.
Tinh thần “5 đẩy mạnh” gồm:
- (i) Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số;
- (ii) Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số;
- (iii) Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong chuyển đổi số;
- (iv) Đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội;
- (v) Đẩy mạnh an toàn thông tin mạng, an ninh mạng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa, từ cơ sở.
Kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trước ngày 10/5/2024
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nhiệm vụ trong Đề án 06, trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trước ngày 10 tháng 5 năm 2024, bảo đảm hoạt động mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả.
Ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 03 Chiến lược:
- (i) Về phát triển Chính phủ số;
- (ii) Về phát triển kinh tế số và xã hội số;
- (iii) Về phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.
Các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu kinh nghiệm của Bộ Công an về triển khai Đề án 06, xây dựng đề án chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm kết nối với Đề án 06 trong nửa đầu năm 2024 (trước 30 tháng 6 năm 2024).
Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thành triển khai 12/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại theo Quyết định 06/QĐ-TTg, Quyết định 422/QĐ-TTg và 20 dịch vụ công ưu tiên theo Quyết định số 206/QĐ-TTg; kết nối các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 7 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố An Giang, Cần Thơ, Đắk Nông, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành nghị quyết về miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hoàn thành trong tháng 5 năm 2024.
Tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng
Các bộ, cơ quan, địa phương tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, an ninh cho người dân đối với các hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Rà soát, điều chỉnh hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh theo Thông tư 21/2023/TT-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2023 quy định về chức năng, tính năng kỹ thuật của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành việc tích hợp giải pháp ký số từ xa vào Cổng Dịch vụ công, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai, thực hiện, hoàn thành trong Quý II năm 2024.
Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông, điện lực xóa bỏ các vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, hoàn thành trước tháng 12 năm 2024; tiếp tục nâng cao chất lượng mạng băng rộng di động.
Tăng ít nhất 5 bậc chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam
Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để bảo đảm Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng ít nhất 5 bậc và Chỉ số an toàn an ninh mạng theo đánh giá của Liên minh viễn thông quốc tế thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu.
Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5 năm 2024 về Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương:
- (i) Hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số;
- (ii) Hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi) đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
- (iii) Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong tháng 5 năm 2024;
- (iv) Nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cấp bộ, tỉnh;
- (v) Xây dựng cơ chế, công cụ đo lường, giám sát việc triển khai Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Tiếp tục mở rộng các tiện ích trên ứng dụng VNeID
Bộ Công an đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06; trong tháng 5 năm 2024 thực hiện sơ kết, phổ biến kinh nghiệm triển khai Đề án 06 cho các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng Đề án chuyển đổi số của bộ, cơ quan, địa phương, nhân rộng mô hình triển khai Đề án 06 trên toàn quốc.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập các đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Dữ liệu trình Chính phủ.
Bộ Công an tiếp tục mở rộng các tiện ích trên ứng dụng VNeID và nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy định pháp lý liên quan; Tập trung triển khai hiệu quả việc thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế trước khi triển khai nhân rộng.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia…
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Tuệ Văn
* Hình bìa: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số với tinh thần “3 tăng cường” và “5 đẩy mạnh”