Thuật ngữ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, viết tắt là AI) được nhắc nhiều trong những năm gần đây trên thế giới và cả Việt Nam. Nhiều dự án, hàng loạt chương trình nghiên cứu và ứng dụng AI vào thực tiễn để xử lý đã được đưa ra tại Việt Nam, nhiều nhất là các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội…
Trong năm 2019, TP.HCM đã có ít nhất 2 hội thảo về AI với sự tham gia của các chuyên gia về lĩnh vực AI trong và ngoài nước. Dẫu vậy, đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, AI vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ, họ lúng túng trong cách tiếp cận sao cho hiệu quả.
Nhằm giúp các doanh nghiệp có một cái nhìn rõ hơn về AI, phóng viên báo Khoa Học Phổ Thông vừa có cuộc trao đổi với ông Charles Ng. – phó chủ tịch mảng AI doanh nghiệp của Appier, một công ty công nghệ chuyên cung cấp nền tảng trí tuệ nhân tạo cho hơn 1.000 khách hàng trên toàn cầu trong gần 10 năm qua.
P.V: Trong thời gian qua, có một số ý kiến cho rằng, các startup đang lạm dụng định nghĩa về AI để nói về sản phẩm của họ nhưng thực chất đó chưa phải là AI. Quan điểm của ông về vấn đề này?
– AI là một khái niệm rất rộng, có rất nhiều công ty sử dụng thuật ngữ này. Với tôi thì, AI là việc sử dụng AI, hoặc các mô hình, thuật toán để dự đoán tốt hơn, từ đó đưa ra quyết định tốt hơn và nhanh hơn. Thay vì tranh cãi về việc lạm dụng ngữ nghĩa của AI, chúng ta hãy xem xét về giải pháp AI mà một nhóm, tổ chức hoặc doanh nghiệp đưa ra; rồi đánh giá (hoặc nhận định) giải pháp đó có giải quyết được vấn đề cụ thể nào đó hay không.
P.V: Theo ông, khi nào thì một doanh nghiệp nên lập một đội (team) riêng về AI, khi nào thì thuê dịch vụ chuyên về AI?
– Nói chung thì các doanh nghiệp sẽ làm cả hai việc nói trên cùng một lúc, tức là họ vừa lập ra nhóm chuyên trách về AI và thuê dịch vụ chuyên về AI.
Một số doanh nghiệp muốn tự xây dựng công nghệ cho riêng mình. Nhưng để làm được điều đó, họ phải tuyển được những người có kiến thức về công nghệ AI, việc này sẽ tốn rất nhiều ngân sách đầu tư và cả thời gian. Vì vậy, chỉ những công ty có nguồn lực dồi dào thì mới có thể đi theo hướng này.
Ngay cả khi công ty có nguồn lực thì họ cũng phải cân nhắc về việc cần sự tư vấn từ một bên thứ ba. Tuy nhiên, các nhà thầu cũng không thể giải quyết hết các vấn đề của doanh nghiệp, bởi mỗi nhà thầu thường có một thế mạnh riêng. Chính vì vậy, cần một mô hình kết hợp, nghĩa là thành lập một nhóm AI riêng, và cũng đồng thời hợp tác với nhà thầu.
P.V: Với một doanh nghiệp chưa ứng dụng nhiều công nghệ thông tin, thì họ nên bắt đầu từ đâu để ứng dụng AI hiệu quả mà không sợ đi chệch hướng?
– Những công ty như vậy đừng cố gắng đặt mục tiêu phải giải quyết mọi vấn đề bằng AI. Thay vào đó, họ chỉ cần chọn 1 hoặc 2 vấn đề nổi cộm nhất cần xử lý
để nghiên cứu và ứng dụng AI vào. Khi triển khai, doanh nghiệp sẽ ghi nhận được những chỉ số đo lường từ dự án. Đến khi đã tìm ra được vấn đề cần giải quyết, doanh nghiệp sẽ nhận ra rằng: vấn đề đó có xử lý được bằng AI hay không. Từ đó, doanh nghiệp sẽ biết được rằng: họ có cần thành lập một đội ngũ chuyên về AI, hay sử dụng giải pháp của bên thứ ba.
P.V: Nếu phải thuê dịch vụ để triển khai AI, thì đâu là tiêu chí để đánh giá giải pháp AI của công ty này tối ưu hơn công ty kia?
– Tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp nào cung cấp giải pháp có thể giải quyết tốt vấn đề của doanh nghiệp thì đó là giải pháp tốt. Sử dụng AI là một giải pháp tốt, giúp giải quyết vấn đề tốt hơn, nhưng nếu chọn nhầm giải pháp thì sẽ vô ích.
P.V: Với 7 năm tư vấn và cung cấp dịch vụ AI cho hàng ngàn doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó có khu vực Đông Nam Á, Appier đã có khảo sát nào về số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam đang ứng dụng công nghệ AI thành công?
– Rất tiếc là chúng tôi chưa có khảo sát nào về số lượng doanh nghiệp AI ứng dụng AI tại Việt Nam. Tuy nhiên, Appier đã cung cấp dịch vụ AI cho một doanh nghiệp để giúp họ mở rộng tiếp cận khách hàng cho sản phẩm chăm sóc da cho nam giới (Nivea Men). Cụ thể, chúng tôi đã giúp họ giải quyết một số vấn đề:
Thứ nhất, họ muốn gửi quảng cáo đến đúng đối tượng, đúng kênh, thay vì gửi quảng cáo tràn lan. Chúng tôi đã sử dụng công nghệ AI để hỗ trợ họ dự đoán những thiết bị nào được sử dụng bởi cùng một người. Một khi đã nắm được những thiết bị nào của cùng một người dùng, doanh nghiệp có thể ngăn việc gửi quảng cáo đến họ quá nhiều lần. Đồng thời, việc này cũng giúp doanh nghiệp có thể đẩy quảng cáo đến người dùng vào đúng thời điểm, đúng thiết bị; bởi một số người dùng thường hay duyệt web vào cuối tuần trên một thiết bị khác so với những ngày trong tuần. Với giải pháp này, chúng tôi đã giúp họ cải thiện hiệu quả đáng kể.
Hơn nữa, cũng nhờ ứng dụng AI, chúng tôi đã giúp họ hiểu được sở thích của khách hàng, như dự đoán mối quan tâm khác (thể thao, tin tức…) của khách hàng dùng sản phẩm Nivea Men để cải thiện hiệu quả việc quảng cáo. Qua dự án này, chỉ số CTR (click through rate) đã tăng 22%.
Một trường hợp khác, khách hàng hoạt động thương mại điện tử muốn tái tương tác với những khách hàng cũ thông qua ứng dụng mua sắm. Nắm bắt được yêu cầu của khách hàng, điều đầu tiên mà chúng tôi làm là phân chia phân khúc khách hàng thành hàng ngàn phân khúc nhỏ bằng AI. Một khi đã có được các phân khúc này, chúng tôi lại dùng AI để dự đoán LTV (lifetime value – giá trị trọn đời) của khách hàng ở từng phân khúc. Từ đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn đâu là những phân khúc tốt nhất. Khi đã chọn xong, chúng tôi lại dùng AI để phân tích đâu là sản phẩm có thể dùng để gửi gợi ý đến họ. Vì vậy, những khách hàng khác nhau có thể nhìn thấy những sản phẩm khác nhau. Dự án này cũng thu được kết quả khá tốt với tỷ lệ chuyển đổi đạt 22%.
P.V: AI đã phát triển vượt bậc trong 10 năm qua. Vậy theo ông thì AI sẽ tiến hóa như thế nào trong vòng 10 năm tới, và Appier sẽ có những dịch vụ mới nào về AI?
– AI đã tiến hóa rất mạnh mẽ trong 10 năm qua. Điều này đạt được là nhờ công nghệ học sâu (deep learning). Công nghệ học sâu có thể xử lý rất nhiều dữ liệu phức tạp và sử dụng các dữ liệu này để đưa ra những dữ liệu có tính chính xác cao.
Trong tương lai, chúng ta có thể kỳ vọng AI sẽ bắt đầu có khả năng tạo ra dữ liệu. Nghĩa là AI có thể tạo ra một câu nói giống hệt cách nói của con người. Nó có thể tạo ra những tấm ảnh y như hình chụp. Tôi tin rằng, trong 10 năm nữa thì điều đó sẽ thành hiện thực.
Việc AI xử lý đúng dữ liệu là vô cùng quan trọng. Giải pháp trọn gói của Appier có dữ liệu nền tảng riêng, do chúng tôi tự xây dựng cơ sở dữ liệu phù hợp với mô hình AI của doanh nghiệp, kết hợp cả dữ liệu của doanh nghiệp và dữ liệu của chúng tôi. Giải pháp của chúng tôi không chỉ giải quyết một vấn đề, chúng tôi cố gắng xử lý các vấn đề trong vòng đời của khách hàng; từ giai đoạn tìm kiếm khách hàng, lôi kéo khách hàng, các cách để tương tác với khách hàng hay tương tác với khách hàng sao cho gần gũi, hiệu quả và thấu hiểu họ hơn. Chúng tôi vừa gọi được số vốn 80 triệu USD để cải thiện sản phẩm, thâm nhập các thị trường mới.