Dân tộc Ta Ôi (tên gọi khác Pa Cô, Pa Hy) phần lớn cư ngụ trên vùng núi phía tây thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; các sông, suối vùng đất này không lớn, mang những cái tên gọi của dân tộc thiểu số miền Trung như Asáp, Kroong, Pling, Tle, Anôr. Dân tộc Ta Ôi đông nhất ở A Lưới, gần 3 vạn người/tổng dân số 4,7 vạn người (gồm Kinh, Ta Ôi, Cơ Tu); mỗi bản làng Ta Ôi khoảng 30 nóc nhà, mỗi nhà có từ 1 đến dưới 15 hộ.
Nhà rông
Làng bản nào cũng có cổng làng, hướng đi lại thuận tiện, không theo quy định nào; cổng được trang trí theo một môtip độc đáo: hai cột lớn được đẽo 2 tượng người (đàn ông và đàn bà) đứng canh giữ sự bình an cho dân làng, mặt trước cổng khắc những linh vật khác nhau biểu tượng của các dòng tộc trong làng.
Xung quanh làng bao bọc bởi hai lớp hàng rào tre gỗ kiên cố (lớp ngoài gọi là karrong, lớp trong gọi là karring).
Trong làng, tính cộng đồng rất cao; mỗi ngôi nhà dựng cách nhau từ 10 – 20 m, không bao giờ có hàng rào chia cách.
Nếu người Kinh có đình làng thì Ta Ôi có nhà rông.
Với người Ta Ôi, nhà rông là biểu tượng của cộng đồng, linh hồn của làng bản, tộc người. Ở đó diễn ra tất cả những công việc liên quan đến cộng đồng theo sự điều khiển của “sasai veel” (chủ làng). Đây cũng là nơi liên hoan, trình diễn văn nghệ dân gian, nam nữ tìm hiểu yêu đương, nơi tập trung trai làng để chiến đấu với các bộ tộc xâm lăng hay thú dữ.
Về kiến trúc truyền thống, các cột lớn và mặt ngoài cũng như mặt trong nhà rông Ta Ôi được đẽo khắc công phu; thường khắc hình các loại hổ báo, rắn rết, thuồng luồng; 4 góc mặt sàn gỗ nhà tạc hình người.
Ở mặt ngoài, hai đầu hồi, nơi có cầu thang lên xuống, khắc đẽo cảnh làm nương rẫy, săn bắn, hái lượm và các sinh hoạt hàng ngày như giã gạo, trỉa lúa, làm nương, đàn ông đeo cung nỏ, cầm giáo đi săn.
Mặt sau nhà rông, không được trang trí gì hết; vì theo lệ tục Ta Ôi, vạn vật sinh tồn đều có mặt khuất của nó, không nhìn thấy và cũng không được phép nhìn thấy.
Mặt trước nhà, thường khắc hình piyea (rồng) và kalang Niêt Ka (chim Thiên nga) là biểu tượng của sức mạnh phi thường và vẻ đẹp huyền bí.
Bốn phía nhà rông được đẽo, khoét thành những đường lượn, hình vòm hay hình vòng cung; tượng trưng là chu kỳ chuyển động của mặt trăng (khuyết – tròn – khuyết – khuất).
Hai nóc nhà rông được gắn hình sừng trâu, đầu rồng hoặc gà trống.
Khác biệt giữa nhà rông các dân tộc ở Tây Nguyên thiên về chiều cao, nhà rông người Ta Ôi lại thiên về chiều rộng và dài. Vật liệu xây dựng là gỗ quý (sến, lim, trường, kiền) và lợp bằng tranh, cọ, lá mây rừng.
Nhà dài
Nhà dài của người Ta Ôi là nơi kết nối và hội tụ tình nghĩa gia tộc; biểu hiện rõ nét qua sự ở chung – làm chung – ăn chung; hay ở chung – làm chung – ăn riêng; hay ở chung – làm riêng – ăn riêng.
Nhiều thế hệ nhưng khi đã cư trú dưới mái nhà chung, họ luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp, sống có nề nếp, kỷ cương.
Lương thực, thực phẩm của cả gia tộc làm ra được phân chia công bằng cho từng bếp (hộ gia đình); mỗi bếp tự nấu nướng, ăn riêng với nhau; ngoại trừ lúc lễ tết, cưới hỏi, ma chay thì ăn chung.
Cha mẹ già thì sống với con trưởng; tất cả thành viên trong gia tộc có trách nhiệm đóng góp, cùng chăm nom, săn sóc, nuôi dưỡng.
Nhà dài gồm nhiều gian nối với nhau, dài đến vài chục mét, đặc biệt có nhà dài trên dưới một trăm mét (tùy theo quy mô và số bếp, số người trong gia tộc).
Sàn, cột, xà nhà làm bằng các loại gỗ quý, liên kết với nhau theo kỹ thuật độc truyền của người thợ mộc Ta Ôi.
Để chống ẩm, chống mối mọt, người ta kê những cây cột lên các tảng đá núi. Vách nhà làm bằng các tấm gỗ mỏng đã bào nhẵn (gọi là thưng), có chạm đẽo, khắc nhiều hình hoa lá, chim muông.
Người Ta Ôi dùng lá mây rừng để lợp nhà dài; bền hơn tranh, rạ và tính thẩm mỹ cao.
Đầu hồi nhà người ta thường gắn khúc gỗ cong như chiếc sừng trâu; được xem như vật thiêng bảo hộ và mang đến cho gia tộc cuộc sống bình an.
Trong nhà dài được phân thành nhiều gian khác nhau, có gian phòng khách để hội họp, vui chơi; có gian bếp, phòng ngủ, gian sinh hoạt của từng gia đình nhỏ lẻ. Phòng khách nằm ở chính giữa, rộng hơn các gian khác.
Các đồ thờ cúng cồng, chiêng đều đặt ở gian này; ngày tết mọi người quây quần nơi gian phòng khách cùng trò chuyện, hò hát. Chỉ có ông già hay con trai lớn chưa vợ mới ngủ ở gian khách.
Nối liền các gian nhà có một hành lang bên ngoài; có kiểu nhà lối đi lại được bố trí giữa nhà. Các đôi vợ chồng trẻ ở trong các gian phòng có phên (tường) che kín.
Nhà mồ
“Sống cái nhà/ thác cái mồ” theo phong thủy, kiến trúc nhà mồ xưa của người Ta Ôi luôn ở trên cao; một triền dốc hoặc một gò đồi, cách khá xa làng bản.
Ngôi nhà mồ của người Ta Ôi có hai tượng người, cũng là 2/4 cột trụ (cột cái) dựng nhà mồ. Chúng tượng trưng cho sự bảo vệ, canh gác ở thế giới bên kia.
Hai đầu hồi mái nhà tựa như mũi con thuyền ra khơi; trên ấy người ta gắn các khúc gỗ đẽo hình sừng trâu.
Khác với nhà mồ của dân tộc Cơ Tu, Bru, Vân Kiều, Ê Đê, 4 cột trụ không bao giờ được chạm đất, chúng phải đặt vào một khung bằng gỗ quý, tiếng Ta Ôi gọi là “kaning”.
Mái lợp (gọi là apok) được kết bằng nhiều lớp lồ ô rọc đôi, khung đế người ta chạm trổ hình các gia súc quen thuộc (chó, heo, gà) và các loại cây hoa màu trên nương rẫy.
Ngôi nhà mồ chỉ được làm cùng với lễ dời mả, sau khi chết khoảng từ 5 – 10 năm. Một dòng tộc có một khu nhà mồ riêng, dành cho từ 1 – 3 gia đình.