Bác Hồ và những người làm báo

Sinh thời, Bác Hồ là một nhà báo xuất sắc. Bác đã dành rất nhiều tình cảm cho những người làm báo… Những câu chuyện mà Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) – đạo diễn Phạm Việt Tùng kể dưới đây là một minh chứng.

Bác Hồ quan niệm báo chí là vũ khí để làm cách mạng, người làm cách mạng phải biết làm báo. Trong việc làm báo, Bác luôn chỉ dạy người đi trước rước người đi sau; người đi sau theo mau người đi trước… Chính vì vậy, Người luôn giúp đỡ người làm báo” – đạo diễn Phạm Việt Tùng mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, địch bắt được cụ Nguyễn Văn Tố rồi rêu rao bắt được Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tình hình đó, bác sĩ Trần Duy Hưng (Chủ tịch đầu tiên của TP. Hà Nội) đề nghị chụp ảnh Bác để gửi về vùng địch tạm chiếm cho người dân yên tâm. Nhà quay phim Hoàng Thái được cử đi chụp ảnh Bác.

Nhận thấy ánh sáng trong rừng qua bóng cây loang lổ rất khó chụp, Bác đã chủ động đề nghị ra phía bìa rừng để chụp. Trước khi chụp, Người còn hướng dẫn anh Hoàng Thái phải chụp làm sao cho chủ thể nổi lên, cánh rừng phía sau phải mờ đi… Khi kể chuyện này, anh Thái nói rằng: “Bố tôi dạy tôi chụp ảnh nhưng cũng không dạy kỹ như Ông Cụ”.

Đầu năm 1950, ta làm phim Việt Nam kháng chiến để thế giới hiểu hơn về cuộc kháng chiến của ta. Khi ấy, trình độ làm phim của ta còn hạn chế nên phải sang Trung Quốc để dựng.

Khi sang đến nơi, đạo diễn Phạm Văn Khoa gửi thư về yêu cầu quay bổ sung cảnh Bác Hồ họp với Chính phủ. Hồi ấy, chưa được trang bị các thiết bị hiện đại như bây giờ, ánh sáng trong ngôi nhà mái lá không đảm bảo cho cảnh quay, nên nhà quay phim Hoàng Thái loay hoay mãi mà vẫn chưa biết làm thế nào. Bác chỉ lên mái nhà, bảo với nhà quay phim Khánh Dư (lúc ấy là phụ quay): “Chú trèo lên dỡ mấy tàu lá cọ xuống cho ánh sáng lọt vào là quay được”.

Tiếp đó, Bác hỏi: “Hôm nay các chú có mang nhiều phim không?”, anh Hoàng Thái thành thật: “Thưa Bác, chúng cháu chỉ có một cuộn phim thôi ạ”.

Bác liền bảo: “Thế các chú chuẩn bị máy, Bác bảo cho mà làm… Chú quay toàn cảnh trước rồi đến cảnh từng người phát biểu”. Khi vào họp, Bác phát biểu trước, rồi mời đồng chí Trường Chinh báo cáo về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc… để các nhà quay phim ghi hình. “Khi kể chuyện này, anh Hoàng Thái nói, Ông Cụ đạo diễn đấy chứ, mình chỉ việc làm theo”, ông Tùng nhớ lại.

Cuối năm 1950, sau khi kết thúc Đại hội Đảng lần thứ II, đoàn đại biểu miền Nam muốn quay một số cảnh về Bác Hồ để chiếu cho đồng bào Nam Bộ yên lòng, bởi từ Cách mạng Tháng Tám đến lúc đó, đồng bào chỉ thấy một tấm hình của Bác trông rất gầy, không được khỏe.

Trọng trách ấy được giao cho nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn (từ Khu 9 ra). Khi gặp, Bác giao kèo, việc ai người đó làm, không cản trở công việc của nhau. Những ngày sau đó, ông Đoàn vác máy theo Bác đi thăm dân công, kiểm tra kho vũ khí, thăm Cao Bằng…

Bác đi ngựa, lội suối, băng rừng, giặt giũ áo quần đều được quay lại cẩn thận. Một hôm, thấy Bác mặc áo quần vá, ông Đoàn đưa cho Bác bộ áo quần mới hơn để thay, Bác liền phản ứng: “Bác không phải là diễn viên của chú. Bác có sao thì quay vậy, quay thì quay, không thì thôi”.

Đến ngày ông Đoàn chuẩn bị lên đường sang Trung Quốc để tráng phim, Bác đã tặng ông tấm ảnh chân dung chụp lúc Bác đang ngồi làm việc.

Khi sang Trung Quốc, phía bạn đề nghị tráng phim giúp, nhưng ông Đoàn muốn tự mình tráng phim theo phương pháp thủ công. Mất đến gần nửa tháng, ông mới hoàn thành việc tráng xong 50 cuộn phim.

“Khi về đến chiến khu, chiếu thử cho các đồng chí lãnh đạo xem, nhiều người không thích vì thấy trên phim hình ảnh của Bác gầy gò, đôi chỗ ăn mặc còn rất xấu; thậm chí có người còn yêu cầu ông Đoàn viết bản thu hoạch (một dạng như kiểm điểm), nhưng Bác lại rất thích những cảnh quay ấy. Bây giờ, những thước phim của ông Đoàn quay ngày ấy đã trở thành “kinh điển”, có người còn lầm tưởng do người nước ngoài quay”, ông Tùng cho biết.

Bác Hồ sống nhiều năm ở nước ngoài, tác phong rất nhanh nhẹn. Năm 1957, Bác đi thăm Liên Xô, nhà quay phim Khánh Dư được cử đi theo để ghi hình. Một hôm, trong khi đi, thấy quay phim mặt buồn xo nên Bác hỏi chuyện. Nhà quay phim Khánh Dư cho biết: “Bác đi nhanh quá, cháu quay không được”. Nghe vậy, Bác ngồi vào ô tô rồi mở cửa bước ra đi lại để giúp quay phim có thể ghi lại được cảnh đó. Bác Hồ còn chỉ cho nhà quay phim Khánh Dư lia máy để lấy cảnh lá cờ Việt Nam đang bay cạnh cờ Liên Xô.

Đầu năm 1960, gia đình Luật sư Francis Henry Loseby – ân nhân của Bác trong vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông sang thăm Việt Nam. Bác Hồ đưa các vị khách quý đến thăm Nhà máy Công cụ số 1. Nhà quay phim Tô Cương cầm máy, ông Tùng làm ánh sáng phụ quay. “Trong lúc đang quay phim, đột nhiên máy quay bị hỏng. Bác nghe “xoạch” một tiếng, biết là máy quay không chạy được. Bác chủ động dừng lại, quay ra nói chuyện với các vị khách, tạo thời gian cho anh em sửa máy.

“Cụ lo cho mình như thế đấy. Nếu Cụ đi thẳng, mình không chữa được máy, không quay được hình ảnh Cụ, không hoàn thành được nhiệm vụ thì chắc chắn sẽ bị kỷ luật. Sau lần đó, anh Tô Cương cứ xuýt xoa: “Hôm nay, ông Cụ đã cứu mình”, ông Tùng kể.

Trong đời làm phim của mình, NSƯT – đạo diễn Phạm Việt Tùng đã vinh dự được nhiều lần đi phục vụ Bác Hồ. Trong những chuyến đi ấy, ông và đồng nghiệp đã nhiều lần chứng kiến sự giản dị, thân tình của Bác. Có lần đi công tác, khi ăn cơm, Bác thấy suất cơm nắm của mình có thêm miếng giò, trong khi mọi người không có. Bác nói, trong ăn uống cũng phải công bằng, rồi Bác lấy đũa chia đều miếng giò cho mọi người… “Chính tình cảm của Bác đã khiến các thế hệ làm báo của Việt Nam không ngại xả thân hy sinh vì nước, không ít người đã ngã xuống ở chiến trường khi đang làm nhiệm vụ…”, ông Tùng bày tỏ.

XUÂN THÀNH

* Hình bìa: Tấm ảnh Bác Hồ tặng nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn năm 1951

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Recommended For You