Bánh tráng: sản phẩm OCOP của xã nông thôn mới Phú Hòa Đông

    Xã Phú Hòa Đông là một trong 20 xã xây dựng nông thôn mới (NTM) thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM. Khác với những xã khác của huyện Củ Chi là tập trung phát triển sản phẩm OCOP hoa kiểng, cá kiểng, xã Phú Hòa Đông có Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông – làng nghề truyền thống, đã hoạt động hơn 100 năm. Sản phẩm của làng nghề thường xuyên hiện diện tại các bữa ăn gia đình.

    Ngoài sản phẩm bánh tráng, bún làm từ bột gạo truyền thống, hiện nay công ty sản xuất – kinh doanh trên địa bàn xã còn phát triển thêm nhiều sản phẩm mới làm từ nguyên liệu thiên thiên, thân thiện với môi trường, nổi bật và tiêu biểu là bánh tráng, bún làm từ khoai lang, thanh long, dưa hấu, nghệ vàng… Đây đều là sản phẩm OCOP của xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi.

    Từ suy nghĩ đơn thuần giúp “giải cứu” dưa hấu và thanh long, khoai lang tím do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, đã tạo ra sản phẩm bánh tráng, bún tươi, bún khô từ các nguyên liệu này nhằm giúp người dân giảm bớt gánh nặng trong khâu sản xuất với 3 nguyên tắc vàng: thành phần thiên nhiên, tốt cho sức khỏe và hương vị thơm ngon. Sản phẩm của công ty khi chào hàng sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu, được nhiều người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Mỗi sản phẩm công ty tạo ra mong muốn quảng bá văn hóa ẩm thực của Việt Nam ra toàn thế giới.

    Tập trung phát triển sản phẩm bánh tráng, theo hướng khuyến khích người dân vừa phát triển sản phẩm truyền thống (bánh tráng làm từ nguyên liệu gạo là chính), vừa phát triển thêm nhiều sản phẩm độc lạ (bánh tráng được làm từ khoai lang, nghệ, thanh long…) được xem là hướng đi đúng của xã Phú Hòa Đông trong việc thực hiện Chương trình OCOP theo định hướng của trung ương và thành phố.

    Triển khai thực hiện phát triển sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp góp phần nâng cao thu nhập của người dân trong xã NTM Phú Hòa Đông. Khi bắt đầu xây dựng NTM năm 2012, thu nhập bình quân người dân trên địa bàn xã chỉ đạt 21 triệu đồng/người/ năm. Nhưng đến năm 2019 đã tăng lên 67,5 triệu đồng/người/ năm, (tăng gấp 3,2 lần so với năm 2012).

    Ngày 8/6/2020, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 2013/QĐ-UBND công nhận xãPhúHòa Đông, huyện CủChi, TP.HCM đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. Kết quả này đã góp vào sự thành công chung trong xây dựng NTM của huyện Củ Chi nói riêng và cả thành phố nói chung.

    Xác định chương trình OCOP là một chương trình dài hơi, thực hiện liên tục và toàn diện, ngày 24/2/2021, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có Công văn số 1100/BNN-VPĐP tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP trong năm 2021 khi chờ đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 được ban hành. Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trong năm 2021 tiếp tục được thực hiện theo Quyết định số 1048/QĐ- TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ được phân thành 5 hạng sao, gồm: hạng 5 sao; hạng 4 sao; hạng 3 sao; hạng 2 sao; hạng 1 sao.

    Nhằm hỗ trợ triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, về phía thành phố: đã ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu vay vốn phát triển sản phẩm OCOP – trong đó có sản phẩm bánh tráng của xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được thành phố ban hành theo Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017, Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND ngày 23/3/2021, với các mức hỗ trợ. Ngân sách thành phố hỗ trợ 100% lãi suất: đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của thành phố. Thời hạn hỗ trợ lãi vay: không vượt quá 5 năm trên một phương án. Ngân sách thành phố hỗ trợ 60 – 80% lãi suất: để đầu tư mua vật tư, nhiên liệu, trả công cho người lao động phục vụ sản xuất các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của thành phố. Thời hạn hỗ trợ lãi vay: không vượt quá 36 tháng trên một phương án. Ngân sách thành phố hỗ trợ 60% lãi suất: để doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của thành phố. Thời hạn hỗ trợ lãi vay: không vượt quá 36 tháng trên một phương án.

    Để sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển, TP.HCM, huyện Củ Chi, cũng như xã Phú Hòa Đông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triểm sản phẩm OCOP, để người dân và doanh nghiệp biết và tham gia thực hiện, chú trọng hướng dẫn rõ quy trình, trình tự thực hiện chính sách. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với các tuyến tour du lịch, tuyến điểm dừng chân hiện có tại địa phương. Xây dựng các mô hình du lịch cho khách hàng trải nghiệm vừa tham quan, vừa trực tiếp tham gia tráng bánh tại làng nghề Phú Hòa Đông.

    Chương trình mỗi xã một sản phẩm là bước phát triển mới của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Qua đó, các xã được định hướng xây dựng các mô hình sản xuất các sản phẩm hàng hóa, gắn với thị trường đầu ra bền vững nhằm tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Xây dựng NTM trong giai đoạn 2021 – 2025 vẫn cần tiếp tục chú trọng thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

    PHI ĐIỆP

    Recommended For You