Được đánh giá là một trong số các nhà xuất bản “cổ” từng cho ra đời nhiều đầu sách khảo cứu giá trị xuyên thời gian, Nam Phong Tùng Thư gắn liền với tên tuổi của tờ tạp chí quốc ngữ mang tên Nam Phong tạp chí (7/1917 – 12/1934).
Ở thời điểm lúc bấy giờ, Nam Phong tạp chí và Nam Phong Tùng Thư lấy tôn chỉ chính là phổ biến, hoàn thiện chữ quốc ngữ, kèm theo đó là cung cấp cho giới tri thức, độc giả trong nước những thông tin, tài liệu mới ở nhiều lĩnh vực, từ văn hóa nghệ thuật cho đến triết học, khoa học bằng cách trích dịch từ tài liệu phương Tây (chủ yếu là tiếng Pháp)… cũng như kho tàng văn học dân gian chữ Nôm.
Tuy nhiên, Nam Phong Tùng Thư vẫn uyển chuyển truyền tải các nội dung đó trên tinh thần giữ gìn tối đa bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó tạo ra những tuyến bài viết, tập sách có giá trị học thuật cao.
Qua hàng trăm năm nay, nhiều tựa sách do Nam Phong Tùng Thư vẫn còn được lưu trữ, phục vụ tra cứu tại một số thư viện tổng hợp, hoặc do các nhà sưu tầm cá nhân lưu giữ. Do đó, số người tiếp cận được kho tàng sách này không nhiều.
Trước tinh thần cùng cả nước, cùng TP.HCM phát huy tối đa các nét văn hóa truyền thống thông qua việc phục dựng các tựa sách xưa nhiều giá trị, ngay những ngày đầu tháng 4 này, Nhà xuất bản văn hóa – văn nghệ (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy TP.HCM) phối hợp với Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM chọn lọc và in lại một số tập sách.
Trong đó, đầu tiên là 3 tựa sách: Lịch sử thế giới (75.000 đồng/cuốn); lịch sử và học thuyết của Voltaire (75.000 đồng/cuốn); và khảo về tiểu thuyết, tục ngữ – ca dao (95.000 đồng/cuốn).
Nói về Nam Phong Tùng Thư, có lẽ nhiều người yêu sách không quên chủ biên Phạm Quỳnh. Ông sinh tại Hà Nội, quê quán ở làng Lương Ngọc, tổng Ngọc Cục, phủ Bình Giang (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).
Ngay sau khi đỗ đầu bằng Thành chung, ông đã được bổ làm việc tại Trường Viễn Đông bác cổ (1908), sớm tham gia Đông Dương tạp chí (1913), có nhiều bài báo được độc giả đương thời chú ý. Vì nền tảng tư chất học thuật và những đóng góp, trải nghiệm thực tế đó mà Phạm Quỳnh được giao cho phụ trách Nam Phong tạp chí.
Trong lĩnh vực văn học, có một tựa sách do Nam Phong Tùng Thư ấn hành khi đó là cuốn “Khảo về tiểu thuyết, tục ngữ – ca dao”.
Theo nhận định của giới chuyên gia, tập sách này chứa đựng nhiều kiến thức, nhận định rất riêng của giới học thuật lúc bấy giờ về các thể loại tiểu thuyết, tục ngữ – ca dao, nhưng hơn hết là các phản biện, chú giải trong sách đều tập trung đề cao nét đẹp của chữ quốc ngữ.
Ngoài phần đầu tiên dành phần lớn nội dung nói về các loại hình tiểu thuyết, tập sách còn dành hẳn một chương khá dài để phân tích các khái niệm về tục ngữ, ca dao trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, kèm theo đó là thư viện hàng trăm câu tục ngữ, bài ca dao thông dụng được lưu truyền trong dân gian ta từ ngày xa xưa cho đến tận hôm nay.
Nói đến ca dao – tục ngữ, Phạm Quỳnh khẳng định rằng: tiếng quốc âm – chữ quốc ngữ là vô cùng phong phú, và cái văn chương truyền khẩu của dân tộc ta là thanh thú.
“Tiếng An Nam ta hay lắm, các ngài ạ.
Người ngoại quốc cũng phải khen là một thứ tiếng êm như ru, vui như hát, mỗi vần đánh ra năm dấu, đọc thành sáu giọng khác nhau, như trong cung đàn vậy.
Vậy nên chúng ta nên trân trọng lấy cái quốc âm quí báu ấy, ra công tập luyện trau dồi cho mỗi ngày một hay một đẹp hơn. Dù học chữ Tây hay học chữ Tàu, chúng ta chớ nên bỏ tiếng tổ quốc, là cái tiếng từ khi lọt lòng ra đã học nói, và đến khi hấp hối chết cũng còn nói”, chủ biên Phạm Quỳnh, từng viết như thế.
Các tựa sách kể trên thấy có bán tại Cửa hàng sách văn hóa – văn nghệ (88 – 90 Ký Con, Q.1, TP.HCM – ĐT: 0903033237), quầy M3 đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Q.1 – ĐT: 0937662811), hoặc đặt mua trên trang web Tiki.