Cạn sữa là giai đoạn quan trọng trong chu kỳ sản xuất sữa của bò sữa, vì vậy cần chăm sóc tốt. Theo khuyến cáo của Trung tâm khuyến nông TP.HCM, thời điểm cạn sữa tốt nhất là hai tháng trước khi sinh và thời gian cạn sữa tốt nhất là 2 tháng. Thời gian này có thể kéo dài thêm đối với bò tơ và bò cao sản.
Thời kỳ cạn sữa là giai đoạn dưỡng sức cho bò sữa, phục hồi tuyến vú sau thời gian cho sữa kéo dài. Tích lũy chất dinh dưỡng chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất sữa kế tiếp, nhất là chuẩn bị cho việc hình thành sữa đầu. Tập trung dưỡng chất cho sự phát triển của bào thai trong hai tháng cuối (thời gian thai phát triển nhanh nhất). Và đây cũng là khoảng thời gian chăm sóc thú ý như xử lý và điều trị bệnh viêm vú.
Khi bò đã có mức sản xuất thấp nhất (1 – 2 kg/con/ngày) thì tiến hành cạn sữa. Trong thời gian nuôi bò cạn sữa, cần chú ý vận động và chăn thả, nếu bò nuôi nhốt hàng ngày cần được vận động 2 – 3 giờ.
Bò nuôi nhốt nếu không được vận động sẽ khó đẻ, bê sinh ra yếu.
Nếu bò được chăn thả cần được chăn thả ở những lô bằng phẳng, ít dốc, gần chuồng và phân theo đàn nhỏ.
Đối với bò ít sữa, mỗi ngày nên massage bầu vú 1 – 2 lần khoảng 5 – 10 phút để cải thiện chức năng hoạt động của bầu vú, làm cho thần kinh, mạch máu hoạt động mạnh, đề phòng được viêm vú hay hiện tượng cương cứng khi đẻ, quá trình tiết sữa được nhanh chóng.
Chú ý, đối với bò nhiều sữa, sau khi cạn sữa và trước khi đẻ không được tác động vào vú. Trong mùa nóng cần tắm 1 lần/ngày cho cơ thể mát mẻ, tăng tiêu hóa hấp thu, tăng cường quá trình trao đổi chất, trao đổi nhiệt.
Chú ý chăm sóc thú y cho bò trong giai đoạn cạn sữa nhằm đảm bảo cạn sữa không bị viêm vú, điều trị triệt để bệnh viêm vú (nếu có) và ngăn ngừa các bệnh thường xảy ra trên bò sữa như viêm vú, chướng hơi dạ cỏ, viêm nhiễm đường sinh dục, các rối loạn biến dưỡng (sốt sữa, thiếu khoáng, acid dạ cỏ…), các bệnh về khớp…
Chăm sóc bò cạn sữa cần cho ăn theo đúng tiêu chuẩn khẩu phần ăn phù hợp với từng giai đoạn của kỳ cạn sữa. Tuy nhiên, cần lưu ý là giai đoạn này, khẩu phần chủ yếu của bò là thức ăn thô xanh. Tỷ lệ thức ăn tinh/thức ăn thô chiếm từ 30 – 35% là thích hợp.
Tuần lễ đầu tiên sau khi bắt đầu cạn sữa, giai đoạn này chủ yếu là cạn sữa an toàn cho bò và xử lý, phòng ngừa bệnh viêm vú cho chu kỳ cho sữa kế tiếp. Nâng dần tỷ lệ thức ăn thô xanh trong khẩu phần và chỉ hạn chế lượng nước uống khi thật cần thiết.
Ở giai đoạn bò hồi phục bầu vú và dự trữ dinh dưỡng cơ thể, nên thay thế các loại thức ăn thô chất lượng thấp bằng các loại chất lượng tốt. Bò phải có thể trạng tốt nhưng không quá mập để tránh tình trạng đẻ khó. Điểm thể trạng bò đạt trung bình từ 3 – 3,7. Hạn chế lượng thức ăn ủ chua không quá 1/2 lượng thức ăn thô xanh tính theo vật chất khô.
Giai đoạn trước khi sinh tập cho bò ăn các loại thức ăn, khẩu phần ăn mà bò sẽ được nuôi dưỡng trong giai đoạn mới đẻ, giúp cho hệ vi sinh vật dạ cỏ quen dần với thức ăn, khẩu phẩn mới (tỷ lệ thức ăn tinh cao hơn). Lúc này cần phải điều chỉnh hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần cao hơn vì lúc này bò ăn kém vì độ ngon miệng giảm. Lượng thức ăn tinh hạn chế ở mức 1% trọng lượng cơ thể bò. Hạn chế cho ăn thức ăn ủ chua, có thể tiêm bổ sung vitamin E và selenium cho bò duy trì sức khỏe tốt.