Hoa dừa cạn, hay còn gọi là bông dừa, được lai tạo có rất nhiều màu sắc, hoa cánh đơn, cánh kép, hai màu rất thu hút. Ưu điểm của hoa dừa cạn là cây có thể ra hoa quanh năm, cây sống khỏe và bền bỉ so với các dòng hoa thân thảo khác. Thích hợp trồng sân vườn hay trồng chậu treo, chăm sóc tương đối dễ dàng.
Theo chia sẻ kinh nghiệm của anh Nguyễn Thanh Phương, Trại giống cây trồng – hoa kiểng Thanh Duy ở Chợ Lách, Bến Tre, nơi cung cấp hàng ngàn chậu hoa dừa cạn mỗi năm cho biết, dừa cạn được nhân giống chủ yếu bằng cách gieo hạt.
Hiện hạt giống được đóng gói theo từng loại, màu sắc và được xử lý cơ bản.
Sau khi mua về tiến hành làm theo hướng dẫn cho hạt nảy mầm tốt như ngâm hạt trong nước ấm khoảng 5 – 6 tiếng, vớt ra để ráo, gói hạt cùng với giấy thấm nước trong túi nylon buộc chặt để chỗ mát khoảng 4 giờ.
Sau đó gieo hạt vào khay hay tỉa vào túi bầu nhỏ, phủ một lớp mụn dừa rồi tưới nước thật đẫm.
Tưới nước ẩm đều mỗi ngày cho hạt nảy mầm, khoảng 30 ngày mọc cây con, khi cây có 4 – 5 lá xanh cứng thì tách ra trồng vào chậu nhựa (dạng chậu tre) hay túi nylon loại lớn (14 x 18 cm) để thuận tiện vận chuyển.
Ngày nay, do nguồn đất trồng khan hiếm nên chủ yếu dùng giá thể là xơ dừa (mụn dừa), ít đất, tro trấu, phân hữu cơ (loại đóng bao) khoảng 10%. Tất cả trộn đều cho vào chậu/túi trồng.
Nên trồng cây lúc chiều mát, sau khi trồng tưới ướt đẫm, chú ý nên chặt gốc khi trồng.
Tưới đều đặn cho cây 1 ngày/2 lần, nhất là mùa nắng, vào mùa mưa thì có thể giảm lượng tưới xuống 1 ngày/lần, dùng vòi phun mưa, khi cây có hoa tránh tưới vòi mạnh làm ảnh hưởng cánh hoa.
Cây trồng nên để ngoài nắng trực tiếp, có thể để chậu dưới nền đất hoặc trên giàn cao. Với chậu treo thì có thể treo lên giàn, chú ý không treo giàn cao khó chăm sóc.
Theo khuyến cáo của anh Phương, hoa dừa cạn dễ trồng, tuy nhiên cần chú ý nhất là bệnh héo rũ do virus hoặc bệnh do nấm tấn công mùa mưa. Không nên bón nhiều phân hóa học có hàm lượng đạm cao, bón cân đối như NPK 20-20-15 giai đoạn đầu (sau trồng vào chậu khoảng 3 tuần), pha phân vào nước tưới gốc. Bổ sung thêm phân hữu cơ sinh học có tính năng dưỡng rễ, nuôi cây khỏe mạnh định kỳ 7 – 10 ngày/lần.
Chú ý phun thuốc ngừa nấm bệnh và hút chít (phòng ngừa truyền virus gây bệnh héo rũ), kết hợp phun bổ sung phân hữu cơ sinh học giúp cây phát triển bền vững, lá xanh khỏe, ít rụng lá chân, cành mập, sẽ ra nhiều bông, giảm chết héo. Phun thuốc ngừa sâu rầy định kỳ tránh làm xấu bộ lá.
Sau khi kết thúc đợt hoa, nên bón thêm phân hữu cơ hay cung cấp thêm giá thể vào chậu trồng, tưới phân hữu cơ vào gốc, bón phân cho cây đâm chồi ra hoa đợt mới. Duy trì như vậy cây hoa dừa cạn sẽ luôn xanh khỏe, ra nhiều bông quanh năm.
Chú ý, không nên để cây khô héo do thiếu nước sau đó tưới thật ướt mà cần duy trì độ ẩm thích hợp. Nên để cây nơi có ánh sáng đầy đủ, tránh nơi khuất nắng, nhiều bóng râm cây sẽ phát triển kém và ít bông vì cây dừa cạn rất ưa nắng. Cây trồng chậu không bón thừa phân đạm hóa học, giai đoạn đầu cây sung tốt nhưng sau đó rất dễ nhiễm bệnh hay yếu ớt khi gặp thời tiết bất lợi.