Bí quyết ‘chọn thức ăn’ cho ‘cá dĩa lên màu đẹp’

    Vốn không phải là loại cá dễ chăm sóc, để nuôi cá dĩa đạt hiệu quả cần chú ý tới nguồn dinh dưỡng, bởi thức ăn quyết định trực tiếp đến màu sắc của cá dĩa. Theo nhận định của nhiều người nuôi cá dĩa lâu năm, nếu cho cá ăn thức ăn gần giống với thức ăn tự nhiên của cá dĩa sẽ giúp cá sống khỏe và màu sắc lên đẹp hơn.

    Cá dĩa xuất xứ từ Nam Mỹ, nơi có dòng sông Amazon được coi là quê hương của cá dòng cá cảnh nước ngọt. Loại cá này thường sống ở dưới thân cây, hốc đá tối và yên tĩnh, dưới độ sâu từ 50 cm đến 1 mét. Đây được coi là loài dạn dĩ, bơi lội nhẹ nhàng, tuy nhiên khi bị đe dọa chúng trở nên hung dữ có thể cắn nhau hoặc ăn chính cá dĩa con.

    Về đặc điểm dinh dưỡng, cá dĩa có dạ dày đặc biệt và phân nhánh, có vách dài. Ruột cá dĩa tương đối ngắn, miệng nhỏ và răng hàm gồm một hàng những gai nhỏ hình chóp. Dựa vào những đặc điểm dinh dưỡng riêng biệt này để lựa chọn thức ăn phù hợp cho cá dĩa.

    Bên cạnh đó, cá dĩa có đặc tính khá nhạy cảm, đặc biệt là tiếng ồn, chấn động nhẹ và ánh sáng mạnh.

    Khi nhiệt độ, độ pH và độ cứng của nước thay đổi, khả năng thích nghi của cá dĩa thấp, cá dễ bị bệnh có tấn công của một số tác nhân gây bệnh như nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn, virus…

    Thức ăn cho cá dĩa cần phải được thay đổi thường xuyên, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sinh trưởng và sự lên màu của cá vì màu sắc của cá dĩa phụ thuộc rất nhiều vào thức ăn và môi trường nuôi. Đối với cá 15 – 30 ngày tuổi, cho ăn artemia, bo bo; cá từ 1 tháng tuổi trở đi cho ăn trùn chỉ, lăng quăng; còn cá từ 3 tháng tuổi cho ăn trùn chỉ, lăng quăng, thịt xay, cá con.

    Với các thức ăn như trùn chỉ, bo bo, lăng quăng, khi chuẩn bị cho cá dĩa cần chú ý để vài giờ nhằm loại bỏ hết chất thải trong ruột, rửa qua nước sạch vài lần, vớt những con sống cho cá ăn, sau đó sục khí tiếp để lại cho lần ăn tiếp theo.

    Với thức ăn tự chế biến, có thể áp dụng công thức pha chế cho 1 kg thức ăn đông lạnh, bao gồm 500 – 550 g tim bò hoặc thịt bò (bỏ mỡ, gân) và 400 g tôm tươi, 50 g chất kết dính. Tất cả được xay nhuyễn, bỏ vào túi nylon, cán dẹp, để trong ngăn đá tủ lạnh và cho ăn dần. Có thể bảo quản được 1 – 2 tháng. Có thể bổ sung tảo spirulina (10 – 20 g/kg thức ăn).

    Ngoài các loại thức ăn trên, trong quá trình nuôi cá dĩa cũng cần bổ sung thêm các loại vitamin như vitamin A, D… Nếu thiếu các loại vitamin này cá có thể bị một số bệnh như kém ăn, chậm phát triển, màu sắc nhợt nhạt, xương bị giòn và mang bị biến dạng.

    Theo anh Huỳnh Tuấn Thanh (Củ Chi, TP.HCM) – người nuôi cá dĩa lâu năm chia sẻ, nuôi cá dĩa đòi hỏi kỹ thuật nuôi khá khắt khe và cần sự tỉ mỉ. Nguồn nước là một trong những yếu tố quyết định sự sống còn của cá, cần kiểm tra độ pH của nguồn nước bằng thuốc thử. Đồng thời, trong quá trình nuôi phải liên tục theo dõi nhằm tránh sự thay đổi nhiệt độ của nguồn nước do tác động của thời tiết. Người nuôi nên chú ý nguồn thức ăn cho cá phải vừa đủ để tránh nhiễm khuẩn cho hồ nước và hạn chế được những bệnh ngoài da, bệnh về đường ruột cho cá.

    AN CHI

    Recommended For You