Bí quyết để giảm suy dinh dưỡng bền vững

Con người, ngay từ khi mới là bào thai, sinh ra và trưởng thành đến khi già trải qua nhiều giai đoạn như: bào thai trong bụng mẹ, giai đoạn dưới 2 tuổi, trẻ trước tuổi học đường, học sinh tiểu học, rồi đến trẻ vị thành niên và thành niên, đến trưởng thành và về già (người ta gọi đó là chu kỳ vòng đời).

Một trong những giai đoạn quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ và sức khỏe cũng như về tương lai của mỗi con người tùy thuộc vào giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ, trẻ vị thành niên và thành niên.

Trong những năm gần đây, các nhà dinh dưỡng đã quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ trước khi mang thai (thậm chí từ tuổi vị thành niên và thành niên để giúp cho cơ thể người mẹ được hoàn thiện và phát triển tốt trước khi kết hôn và làm mẹ) và trong thời kỳ mang thai đó gọi là “dinh dưỡng sớm”.

Các nhà nghiên cứu dinh dưỡng cho thấy, phát triển cơ thể trẻ em kể cả phát triển của bào thai liên quan rất chặt chẽ tới tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người mẹ, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ và giai đoạn trước khi bà mẹ có thai.

Vì vậy, chăm sóc bà mẹ giai đoạn trước khi mang thai và 3 tháng thai đầu là điều kiện tiên quyết, quyết định sự phát triển chiều cao, cân nặng sơ sinh của trẻ.

Dinh dưỡng thiếu thốn (không đầy đủ) bắt đầu từ trong bào thai, ảnh hưởng suốt cả cuộc đời, đặc biệt các trẻ gái và phụ nữ, nó tác động không chỉ là cuộc đời của một con người, tức là bản thân người phụ nữ đó mà cả thế hệ mai sau. Một điều kiện dinh dưỡng hợp lý là cần thiết để các trẻ em đó phát triển tốt và khỏe mạnh.

Tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người mẹ có vai trò quan trọng quyết định đối với sự phát triển của thai nhi. Đứa trẻ cảm nhận, giao tiếp và đặc biệt là với thế giới bên ngoài thông qua người mẹ. Vì vậy, khẩu phần ăn của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Những người mẹ có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, được bổ sung các vi chất dinh dưỡng đầy đủ sẽ sinh ra những đứa con khỏe mạnh, thông minh. Dinh dưỡng không đầy đủ trong giai đoạn mang thai sẽ làm trẻ chậm lớn và tuổi dậy thì cũng muộn hơn so với trẻ đã đầy đủ dinh dưỡng.

Người mẹ trong thời kỳ có thai cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển của thai, cơ thể mẹ tăng tích lũy mỡ là nguồn dự trữ để tạo sữa sau khi sinh con. Nếu người mẹ được ăn uống tốt, đầy đủ các chất dinh dưỡng thì sẽ tăng cân tốt (10 – 12 kg) và thai nhi phát triển tốt.

Nhu cầu về dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai

Nhu cầu về năng lượng: phụ nữ khi mang thai có nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng đòi hỏi cao hơn trước khi có thai, nhu cầu năng lượng của người mẹ tăng tỷ lệ thuận với tháng tuổi của thai nhi. Để đạt mức tăng cân từ 10 – 12 kg vào cuối thai kỳ, các bà mẹ cần ăn nhiều hơn để đảm bảo năng lượng tăng thêm 500 kcal/ngày (tương đương 3 chén cơm và thức ăn hợp lý) và đạt mức 2.260 kcal/ngày đối với người lao động nhẹ và 2.550 kcal/ ngày đối với người lao động trung bình.

Nhu cầu về chất đạm: khi mang thai, nhu cầu chất đạm ở người mẹ tăng lên giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Nguồn chất đạm động vật đáng chú ý là các loại thủy sản như: tôm, cua, cá, ốc…; nguồn đạm thực vật từ đậu xanh, đậu phộng, mè, đậu tương và các loại đậu khác. Nhu cầu chất đạm cho phụ nữ mang thai trong thời kỳ mang thai 3 tháng cuối phải đạt tới 70 g/ngày. Tỷ lệ protein động vật/protein tổng số phải từ 30%. Số lượng protein có thể ước tính là 100 g thịt/cá cung cấp khoảng 20 g protein, 100 g đậu phụ cung cấp 10 g protein.

Nhu cầu về lipid: chất béo cần cung cấp từ 20 – 30% năng lượng khẩu phần, nên dùng các chất béo không no có nhiều nối đôi có nhiều trong rau xanh, một số dầu thực vật (dầu cá, ô liu…), một số loại cá mỡ. Nhu cầu lipid của bà mẹ mang thai cũng tăng theo tháng tuổi của thai nhi từ 50 – 70 g/ngày, tỷ lệ lipid động vật/lipid tổng số là 60%.

Trong giai đoạn mang thai, vi chất rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Khi bị thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng làm tăng rủi ro đối với phát triển chiều cao (hạn chế tiềm năng phát triển vóc dáng), thiếu iod làm giảm khả năng phát triển trí não, thai chết lưu. Phụ nữ có thai cần uống bổsung viên sắt/acid folic (60 mg sắt nguyên tố và 400 mcg acid folic), liều lượng 1 viên/ngày từkhi bắt đầu cóthai cho tới sau sinh 1 tháng.

Tình trạng thiếu dinh dưỡng (BMI dưới 18,5) và trong thời gian mang thai, chế độ ăn của người mẹ không đủ so với nhu cầu, thiếu các vi chất dinh dưỡng và phải lao động nặng nhọc có thể làm tăng nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân (dưới 2.500 g). Hậu quả của suy dinh dưỡng bào thai có thể thấy rõ ở những vùng dân cư trong thời kỳ chuyển tiếp và lối sống. Khi nói đến dinh dưỡng sớm, chúng ta thấy tầm quan trọng của chăm sóc bà mẹ khi mang thai, trước khi mang thai và thiếu nữ (tuổi vị thành niên, và thành niên) có nhận thức đầy đủ hơn về nhu cầu dinh dưỡng và phòng các bệnh mạn tính, đặc biệt là béo phì, đái tháo đường và các bệnh tim mạch sau này.

Can thiệp dinh dưỡng trong giai đoạn trẻ tuổi vị thành niên và thành niên hết sức quan trọng, vì giai đoạn này trẻ phát triển với tốc độ rất nhanh cả về chiều cao và cân nặng, các biến đổi về tâm, sinh lý, nội tiết, sinh dục… Cân nặng trung bình tăng từ 3 – 5 kg/năm, chiều cao tăng từ 4 – 7 cm/năm với trẻ vị thành niên, trẻ em trai phát triển nhiều hơn trẻ gái. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng của trẻ vị thành niên đòi hỏi nhu cầu rất cao để đáp ứng cho tốc độ phát triển cũng như hoạt động. Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo khuyến nghị cho lứa tuổi này, trước hết là nhu cầu về năng lượng cần đạt từ 2.100 – 2.200 calo/ngày/nữ và 2.100 – 2.900 kcalo/ngày/nam tùy theo từng độ tuổi mà nhu cầu khác nhau. Để đáp ứng được nhu cầu trên, trẻ cần ăn 3 bữa/ngày, ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng.

Nhu cầu về chất đạm: chất đạm (protein) đóng vai trò quan trọng tham gia vào thành phần cấu tạo nên tế bào, là thành phần quan trọng của các hormon, các enzym, tham gia vào sản xuất kháng thể. Protein cũng tham gia vào hoạt động chuyển hóa, duy trì cân bằng dịch thể. Nhu cầu protein thay đổi tùy thuộc vào lứa tuổi, trọng lượng, giới tính của trẻ. Theo nhu cầu khuyến nghị, hàng ngày chất đạm là 70 g/nam và 60 g/nữ, tỷ lệ đạm động vật chiếm từ 35 – 40%, năng lượng từ chất đạm chiếm 18% năng lượng của khẩu phần. Nguồn đạm động vật cung cấp cho bữa ăn từ: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua…; nguồn đạm thực vật từ đậu đỗ, mè, đậu phộng…

Chất béo, hay còn gọi là lipid trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc màng tế bào và dự trữ trong các mô như nguồn dự trữ năng lượng của cơ thể. Theo nhu cầu khuyến nghị, đối với trẻ vị thành niên, năng lượng do lipid cung cấp cần đạt 20% tổng nhu cầu năng lượng trong khẩu phần. Nhu cầu chất béo hàng ngày từ 40 – 50 g, nguồn chất béo từ nguồn gốc động vật và thực vật với tỷ lệ cân đối là 70% và 30%. Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng, giúp hòa tan và hấp thu các loại vitamin tan trong dầu: A, E, D, K. Nguồn cung cấp lipid là mỡ, dầu và các loại hạt như đậu phộng, mè, hạt điều…

Glucid (chất đường bột) cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ngoài vai trò sinh năng lượng, glucid có vai trò tạo hình, nguồn cung cấp glucid chủ yếu cho khẩu phần là từ gạo, bún, miến, khoai, củ… Với trẻ vị thành niên, năng lượng do glucid cung cấp cần đạt 62% nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Nhu cầu về vitamin và khoáng chất: rau quả là nguồn cung cấp vitamin, muối khoáng và chất xơ cho cơ thể. Theo nhu cầu khuyến nghị cho người trưởng thành, thì nhu cầu về rau xanh là 400 g/người/ngày và trái chín là 100 – 200 g/ người/ngày.

Khoáng chất không thể thiếu với bà mẹ mang thai và trẻ vị thành niên là sắt: sắt là thành phần của huyết sắc tố, tham gia vào quá trình vận chuyển oxy và là thành phần quan trọng của hemoglobin. Sắt trong cơ thể cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin), vận chuyển oxy, carbonic, phòng bệnh thiếu máu và tham gia vào thành phần các men oxy hóa khử. Nhu cầu sắt của trẻ vị thành niên đáp ứng được thông qua chế độ ăn giàu sắt có giá trị sinh học cao. Tuy nhiên, ở nước ta, khả năng tiếp cận các nguồn thức ăn động vật có lượng sắt giá trị sinh học cao từ khẩu phần là rất thấp. Vì vậy, ngay từ tuổi vị thành niên cần uống bổ sung thêm viên sắt hoặc viên đa vi chất hàng tuần. Trẻ trai vị thành niên nhu cầu sắt 12 – 18 mg/ ngày, trẻ nữ cần 20 mg/ngày. Thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như: thịt bò, tiết bò, trứng gà, trứng vịt, tim heo, gan gà…

Thực hiện chế độ dinh dưỡng sớm, chế độ dinh dưỡng lứa tuổi vị thành niên là yếu tố quyết định để trẻ phát triển mức tối ưu khi trưởng thành cả về chiều cao, cân nặng, sức khỏe, trí tuệ. Khi trưởng thành có sức khỏe, có tầm vóc cao lớn (không bị suy dinh dưỡng trường diễn) là điều kiện kiên quyết để trở thành các ông bố/ bà mẹ sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh trong tương lai. Trẻ vị thành niên có sức khỏe tốt là nguồn nhân lực tốt, có chất lượng cao trong lao động, sản xuất sẽ tạo ra của cải, vật chất hữu ích cho gia đình và xã hội, giúp cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để trở thành những người có ích cho xã hội, tức là phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần, và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại, thì việc nâng cao thể lực, trí lực và sức khỏe cho mọi người ngay hôm nay và những thế hệ mai sau là một việc rất quan trọng.

ThS.BS. NGUYỄN VĂN TIẾN

Recommended For You