Cây cam sau thu hoạch cần được chăm sóc, vệ sinh, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh để cây tiếp tục phát triển và cho mùa bội thu sau.
Đốn tỉa, tạo hình
Sau mỗi mùa thu hái trái, công việc đốn tỉa, tạo hình cho cây cam phải được tiến hành thường xuyên, như: cắt bỏ những cành khô, cành bị sâu bệnh, cành tăm, cành vượt, cành xiên vào tán, cành mọc quá dày, cành quá yếu nhằm tạo cho cây thông thoáng, ít sâu bệnh.
Chăm sóc, bón phân
Chăm sóc
– Làm cỏ, xới đất: Thường xuyên làm sạch cỏ quanh gốc theo hình chiếu của tán cây, để hạn chế việc cạnh tranh nước và dinh dưỡng của cỏ dại; ngăn chặn sự trúngụ, xâm nhập của sâu bệnh. Việc xới đất cần thực hiện hàng năm để giúp đất thông thoáng, cung cấp thêm oxy cho đất. Gần gốc thì xới nông, giữa các hàng thì xới sâu hơn do rễ của cam quýt mọc yếu và nông gần lớp đất mặt.
– Tưới nước: Cây cam là loại cây ưa ẩm và ít chịu hạn, việc tưới nước cho cây là rất cần thiết ở các thời kỳ nảy mầm, phân hóa mầm hoa, thời kỳ ra hoa, kết trái và trái phát triển. Đối với mùa khô hạn cần tưới nước cho cây từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Cây cam cũng rất sợ úng, do đó phải thoát nước kịp thời trong mùa mưa lũ. Không để vườn cam bị úng, nhất là giai đoạn khi cây đang có trái.
Bón phân
– Lượng bón:
– Cách bón: Dùng cuốc đào rãnh hoặc cuốc hố theo mép ngoài hình chiếu tán cây, sâu 25 – 30 cm, rộng 20 – 25 cm (tùy lượng phân bón) trộn đều các loại phân bón, bón vào rãnh rồi lấp đất ngay.
– Thời gian bón:
+ Lần 1: sau khi thu hoạch trái, bón toàn bộ phân hữu cơ, phân lân, vôi bột và 1/3 phân đạm.
+ Lần 2: trước khi cây ra hoa, bón 1/3 lượng đạm.
+ Lần 3: sau khi cây đậu trái 6 – 8 tuần, bón 1/3 lượng đạm và 1/2 lượng kali.
+ Lần 4: trước khi thu trái 1 – 2 tháng, bón nốt 1/2 lượng phân kali còn lại.
Phòng trừ sâu bệnh
Cây cam thường bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại như: sâu đục thân, sâu vẽ bùa, nhện, rệp; bệnh ghẻ, bệnh thối trái, bệnh thối gốc, chảy mủ, bệnh loét cam… Biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất là áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp để có vườn cây khỏe, sạch sâu bệnh.
– Cắt tỉa thường xuyên để cành thông thoáng, cắt bỏ những cành mới héo do sâu đục thân tuổi nhỏ gây ra; vệ sinh vườn cây để giảm nguồn lây lan của sâu bệnh.
– Tăng cường chăm sóc bón phân, tưới nước để vườn cây khỏe mạnh. Tỉa cành, bón phân hợp lý, điều khiển cây ra lộc tập trung để dễ theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại.
– Đối với sâu đục thân, đục cành: bắt diệt sâu trưởng thành (xén tóc), dùng dây thép luồn vào lỗ đục diệt sâu non; bơm thuốc Bi58, Monitơ 0,2% vào lỗ đục của sâu.
– Tiêu diệt các loài côn trùng môi giới truyền bệnh như rầy chổng cánh truyền bệnh vàng lá Greening…
– Sử dụng các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại như: sử dụng bẫy bả sinh học, thả nuôi các loài thiên địch có ích (kiến vàng), kết hợp trồng xen với các loài cây không cùng đối tượng sâu hại…
– Khi cây xuất hiện sâu bệnh cần phun các loại thuốc chuyên dùng cho cây ăn trái theo hướng dẫn ghi trên bao bì.