Tê liệt chân tay sau tai biến là một di chứng não thường gặp. Di chứng này khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi lại, cầm nắm đồ vật, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hằng ngày. Cùng tìm hiểu cách điều trị tê liệt chân tay sau tai biến mạch máu não trong bài viết dưới đây.
Theo thống kê, 65% người bệnh sống sót sau tai biến sau 6 tháng không thể cử động co duỗi cánh tay, ngón tay, mất phản xạ cầm nắm, yếu liệt cơ, chân duỗi, đi lại cần người thân và dụng cụ hỗ trợ…
Tuy nhiên nếu được phục hồi chức năng, cải thiện tình trạng tê liệt chân tay sau tai biến sớm và tích cực, 25% người bệnh có thể quay lại cuộc sống bình thường.
Điều này cho thấy, tầm quan trọng của khắc phục biến chứng tê liệt chân tay sớm và đúng cách có thể giúp người bệnh tai biến cải thiện sức khỏe tốt. Sau đây là một số gợi ý các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên áp dụng:
Điều trị tê liệt chân tay sau tai biến nhờ vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu được khuyến khích cho hầu hết người bệnh có di chứng về rối loạn vận động, điển hình là tê liệt chân tay sau tai biến.
Các trường hợp liệt nửa người sau tai biến thường có khuynh hướng co rút bàn tay vào cổ tay, cổ tay co vào cánh tay, kèm theo đó là khó duỗi chân. Do vậy, mục đích của các bài tập này là giúp tay duỗi tốt hơn và cải thiện phản xạ co chân, đồng thời cải thiện cảm giác khi cầm nắm đồ vật.
Các bài tập vật lý trị liệu điều trị tê liệt chân tay sau tai biến điển hình như:
Động tác 1 – Tác động vào cơ lưng và xương sống để đi lại đúng tư thế: Người bệnh nằm ngửa, ưỡn cổ và lưng lên tối đa, lấy mông và sau đầu làm điểm tựa. Y tá hỗ trợ lắc vùng lưng, ngực từ 5-6 lần, người bệnh hít thở đều.
Động tác 2 – Cải thiện co duỗi tay: Người bệnh nằm ngửa, đan hai tay để trước bụng rồi giơ lên cao vuông góc với thân mình, ngửa lòng bàn tay hướng lên trần nhà. Y tá hỗ trợ lắc tay người bệnh qua lại từ 5-6 lần sau đó hạ xuống, làm liên tục từ 5 lần.
Động tác 3 – Cải thiện cảm giác tay: Người bệnh tập co duỗi các khớp ngón tay kết hợp với tập cảm giác khi cầm nắm các đồ vật có bề mặt kết cấu khác nhau như nhám, bóng, góc cạnh, mềm mịn…
Để hiệu quả điều trị tê liệt chân tay chân sau tai biến được tốt nhất, người bệnh nên tập luyện kiên trì 3-4 giờ mỗi ngày, sau đó có thể giảm dần tần suất đến khi cải thiện hoàn toàn.
Chế độ ăn bổ dưỡng hỗ trợ điều trị tê liệt sau tai biến
Di chứng tê liệt sau tai biến khi cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu, cản trở máu lưu thông lên não, tổn thương não bộ. Do đó, người bệnh cần một chế độ ăn lành mạnh với những thực phẩm bổ não và tăng cường sức khỏe. Cụ thể:
Thực phẩm giàu omega-3: Đây là tiền chất của acid béo DHA tốt cho hệ thần kinh não bộ. Omega-3 có nhiều trong cá loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích, hạt óc chó, hạt điều, dầu olive…
Rau lá xanh (rau cải, súp lơ xanh, rau ngót, rau muống), hoa quả có màu sắc rực rỡ như cam, nho, táo, chuối…
Món ăn chế biến từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu, đậu tương lên men.
Ngoài ra, các món ăn cho người bệnh tai biến mạch máu não nên nấu dạng mềm và dễ tiêu, chia làm nhiều bữa trong ngày để người bệnh bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết nhất.
- Hình bìa: Sau tai biến mạch máu não, người bệnh thường phải đối mặt với nhiều di chứng, trong đó có tê bì chân tay.
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng