Có hồi đọc thơ Hoàng Cầm tôi cứ thầm tự hỏi không hiểu sao một cậu bé mười hai tuổi lại yêu say mê một người chị, lại cố kiếm tìm trong mối tình thơ trẻ kia cả những điều tưởng chừng như không có thực.
Em mười hai tuổi tìm theo chị
Qua cầu bà Sấm bến cô Mưa
Ði…
Năm tháng lụi không tìm thấy
Giải yếm lòng trai mải phất cờ
Cách nhau ba bước vào vườn ổi
Chị xoạc cành ngang
Em gốc cây
– Xin chị một quả chín!
– Quả chín quá tầm tay
– Xin chị một quả ương
– Quả ương chim khoét thủng
Lẽo đẽo em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng
Có hồi đọc thơ Hoàng Cầm tôi cứ thầm tự hỏi không hiểu sao một cậu bé mười hai tuổi lại yêu say mê một người chị, lại cố kiếm tìm trong mối tình thơ trẻ kia cả những điều tưởng chừng như không có thực.
Bẵng đi một dạo, nay đọc lại Hoàng Cầm chợt thấy giật mình, lẽ nào sau bao năm Hoàng Cầm vẫn gặm nhấm nỗi buồn đau buốt sắc đó ư?
Và tôi chợt hiểu ra: Dường như là định mệnh đối với thi sĩ.
Thơ Hoàng Cầm bao giờ cũng mang trong mình nỗi buồn nhức của một kiếm tìm ngào nghẹn! Nỗi niềm đó đã được thi sĩ phổ trọn vào “Quả vườn ổi”
Ngay từ đầu bài thơ Hoàng Cầm đã cho ta thấy nỗi buồn nhức của cuộc kiếm tìm ngào nghẹn đó:
Em mười hai tuổi tìm theo chị
Qua cầu bà Sấm bến cô Mưa
Ði…
Năm tháng lụi không tìm thấy
Giải yếm lòng trai mải phất cờ
Bốn câu thơ, ngay từ đầu đã đem lại cho người đọc một cảm giác khó tả. Có lẽ vì ngay từ đầu nó đã dẫn ra vào thế giới cảm xúc.
Thơ giọng kể, trầm, buồn. Chuyện về chàng trai vì luỵ tình mà tìm theo cô gái. Khốn thay đó là lại cô “gái lớn”. Nói theo ngôn ngữ của nhà thơ thì đó là “người chị”. Cũng chính vì điều đó mà ngay từ đầu bài thơ đã gợi mở, tàng ẩn một dự cảm: cuộc tình rồi sẽ trắc trở!
Người đọc dường như an ủi vì chạnh nghĩ bất quá đó là cuộc tình bộc phát trẻ con. Vậy mà đến câu thơ thứ hai Hoàng Cầm đã tài tình xóa nhoà ngay băn khoăn đó.
Hoàng Cầm đã lồng vào cuộc tình kia một khung cảnh: “cầu bà Sấm, bến cô Mưa” thành ra cuộc tình ngỡ bé thơ mà thành “cuộc tình huyền thoại”. Nó vừa thực vừa không thực.
Thực vì vốn chuyện chàng trai theo một cô gái. Mà không thực vì dường như cuộc tìm kiếm đó là vu vơ, bất định.
Các địa danh trên là không có thực. Vả lại tình yêu đó biết đâu lại có trong trí tưởng tượng của chàng trai, còn người chị thì không xác thực.
Câu thơ ba và bốn ngắn, xuất hiện như để khẳng định một điều: cuộc kiếm tìm không như ý nguyện. Tuy nhiên, người trai kia chỉ mới mười hai nên dẫu cuộc tình có nhiều trắc trở, tuổi trẻ chắc gì bớt đi hăm hở:
Giải yếm lòng trai mải phất cờ
Câu thơ hạ xuống giúp dấy lên sự hy vọng. Mạch thơ hướng người đọc đến sự chứng kiến một cuộc tìm kiếm mới. Vẫn là người em đơn độc tiến hành.
Cách nhau ba bước vào vườn ổi
Chị xoạc cành ngang
Em gốc cây
– Xin chị một quả chín!
– Quả chín quá tầm tay
– Xin chị một quả ương!
– Quả ương chim khoét thủng
Trong các câu thơ này, không gian thơ có sự thay đổi, từ những địa danh bất định “cầu bà Sấm, bến cô Mưa” đến một địa danh, địa hình trong một không gian hẹp: “vườn ổi”.
Không gian đặc tả thay đổi, giọng thơ vì đó phải đổi theo. Cách ngắt nhịp cũng khác. Mạch thơ chuyển dần về đối thoại giữa “chị” (người tình) với “em” (nhà thơ).
Tính chất ẩn dụ hai mặt của hình tượng cũng xuất hiện. Thay vì nói tiếp câu chuyện tình em – chị ở trên, tác giả lồng vào đó câu chuyện người hái ổi. Chỉ đối tượng là không đổi. Vẫn có em và chị.
Người em “xin” còn người chị thì “cho”, song “xin” thì tha thiết mà người “cho” thì miễn cưỡng, chối từ. Bởi vậy, đoạn thơ có sự lặp lại mối quan hệ cho – nhận; khẩn cầu và từ khước. Hai lần người “xin” thì hai lần bị từ chối.
Theo dõi sự vận động của mạch thơ, ta thấy sự chuyển hóa tâm trạng của nhân vật trữ tình. Người em từ chỗ hăm hở “giải yếm lòng trai mãi phất cờ” đến ước nguyện “xin chị một quả chín” rồi đến không còn sự lựa chọn và xuống nước, nhịn nhường “xin chị một quả ương“. Người em càng về sau càng thất vọng; người chị khước từ hết, lần nào cũng có lý do. Thực ra đó là một cách lãng tránh.
Cái hay của đoạn thơ chính là ở chỗ Hoàng Cầm đã biết tìm cho thơ một lối biểu tượng hai mặt mang tính hàm súc.
Bởi vì trong câu chuyện ngỡ như đùa ấy: trốn – tìm, xin – cho, vẫn thấp thoáng sau nó một thông điệp về cuộc tìm kiếm ái tình. Người chị kiêu sa, ẩn ức. Người em dại khờ, hăm hở, có khi tưởng đã chạm đến bến bờ của hạnh phúc chợt vỡ oà hết những hy vọng.
Phía bên kia người chị, trái tim đã băng giá lâu rồi, mà bên này người em vẫn hăm hở tìm nơi để hồn yêu nương náu!
Do vậy càng hy vọng càng thất vọng. Song điều gì cũng có nguyên do của nó. Ðiều tiên cảm ban đầu hẳn còn nguyên vẹn. Vậy mà người em đâu biết hay cố dối lòng để không biết điều đó.
Tôi cho rằng, người chị ở đây cũng hướng đến một sự kiếm tìm. Chỉ có điều người em lấy đích là “chị” còn người chị kiếm tìm điều cao cả hơn kia. Một tâm hồn đủ rộng để dung chứa một tình yêu mãnh liệt và sâu sắc, ít nhất là không nông nổi, dại khờ, cả tin như người em. Nhưng hỡi ôi, người đời mấy ai không dại khờ khổ luỵ vì si mê, cuồng vọng! Cho nên, trong cuộc đời này cả chị, em mỗi người đau theo mỗi cách. Người chị buốt nhức với nỗi đau vô hình, người em ngược lại đau nỗi đau hiển hiện: hạnh phúc trước mắt mà không với tới.
Thơ Hoàng Cầm với sức hàm tải lớn của chữ nghĩa đã cô vào trong nó nỗi đau đòi đoạn của kiếp người. Và tôi có cảm tưởng cảm thức ấy cứ trở đi trở lại trong những bài thơ của Hoàng Cầm như một ám ảnh.
Hơn một lần nó đã hiện hình trong “lá diêu bông” nay trở lại khoác lên mình một hình thức biểu hiện mới, song nỗi buốt nhức đòi đoạn kia thì vẫn còn nguyên. Hoàng Cầm vẫn sống, vẫn ôm trong lòng những cảm thức tê buốt đến nao lòng.
Lẽo đẽo em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng
Nhìn trong chỉnh thể, hai câu thơ không nằm ngoài mạch cảm xúc. Tuy vậy, nếu đặt trong sự vận động tâm trạng của chủ thể trữ tình có thể thấy hai câu thơ trên nằm ngoài mạch phát triển bình thường chung. Nó tiến tới một sự vĩnh cửu hoá hình tượng, đẩy cảm xúc lên một dạng thức mới.
Về ngôn ngữ vẫn liên kết với những câu trước đó bởi sự việc trần thuật: câu chuyện người chị và người em. Có thể tạm gọi kỷ niệm ấy là kỷ niệm của “không gian vườn ổi”. Tuy nhiên, tới khi xuất hiện hai câu kết, mạch đã thay đổi (tuy vẫn không đứt đoạn với những câu trước).
Người em sau những kiếm tìm, hy vọng, tuyệt vọng, sau cũng đành sống với những kỷ niệm đau buồn, hờn tủi. Cái dáng người em “lẽo đẽo” đi và “cúi nhặt” gợi nhiều xa xót, thảm thương. Ở đây, không còn đối thoại nữa mà chỉ mình em độc thoại, tự chiêm nghiệm những thất bại cay đắng của tình mình. Sự lẻ loi này của người em gợi nhiều liên tưởng đến hình ảnh người trai trong thơ Tế Hanh:
Mẹ nói em có về hái ổi
Giếng nước trong soi lẻ bóng hình anh
Song, người trai trong câu thơ vì “hai đầu công tác” mà không gặp người yêu, còn người trai thơ Hoàng Cầm thì lẻ loi vì tình duyên phụ bạc.
Rõ ràng, thơ Hoàng Cầm gợi ra sự đau xót, chứ không chỉ nỗi buồn. Xa xót vì tìm xin “trái chín” của hạnh phúc mà cả đến tình yêu muộn mằn “trái ương” cũng không được, đành “lẽo đẽo” cúi đầu tìm lấy những vụn vặt, ê chề mà người đời vứt bỏ: “dăm quả rụng”. Cho nên “vườn ổi” cũng vì đó mà thành “vườn mai sau”. Không gian có sự hoá chuyển từ không gian cụ thể thành không gian tâm trạng, không gian kỷ niệm. Người em kia cũng thành người của muôn thuở kiếm tìm tình ái; biểu tượng của đa đoan, si mê và khổ luỵ…
Nói lên được điều đó, Hoàng Cầm cũng đã nói được đúng nỗi đớn đau nhân bản của kiếp người và trở nên nhà thi sĩ của muôn một! Cảm thơ ông mà nghĩ lại chạnh buồn. Ðúng là “người thơ phong vận như thơ ấy” (Hàn Mặc Tử). Hoàng Cầm đã viết về đời mình, tình mình biết bao là trải nghiệm cay đắng. Những câu thơ đọc lên nghe đắng đót như chính cái tên định mệnh của thi sĩ – Hoàng Cầm là tên một vị thuốc Bắc rất đắng và quý.
Ðọc thơ người thấy nỗi buồn đau to lớn quá, mà thôi, tôi chỉ là một người bình thường, tâm hồn yếu ớt không đủ dung chứa những nỗi buồn đau to lớn nên chỉ có lời tri ân gởi tới người; giống như viết lời bình cho “Quả vườn ổi” với tôi chỉ như một lời tri ngộ!