Bồi hồi đu đủ nấu canh mì tôm

Những ngày tháng 10, nhìn dòng nước ngập tràn mênh mông khắp nơi, tôi lại bồi hồi nhớ về món ăn “đặc sản” gắn bó suốt bao mùa mưa lũ của tuổi thơ từng trải qua, đó là canh đu đủ với mì tôm.

Nơi vùng đất cuối dòng sông Vệ, hầu như ở quê tôi, nhà nào cũng có một cây đu đủ mọc ở góc sân vườn. Có khi cũng chẳng phải do trồng mà lên, lũ chim ăn quả đu đủ chín, tình cờ mang theo hạt phát tán khắp nơi. Chẳng cần chăm sóc vun trồng, nhưng cây đu đủ vẫn phát triển xanh tốt. Chỉ cần một trận mưa gió lớn đã làm cây đu đủ chi chít trái rơi rụng xuống đất. Khi ấy, mẹ tôi lại mang rổ ra vườn tranh thủ nhặt những quả đu đủ xanh không bị dập mang vào nhà để dành.

Đu đủ xanh có thể để được lâu, ít nhất cả tuần. Vào mùa mưa lũ, các loại rau xanh hư hỏng, tăng giá. Phần nữa, sau lũ đường xá khó đi lại vì còn bùn đất, thì đu đủ là thực phẩm xanh thường trực trong bữa ăn hằng ngày. Cứ thế, những bữa cơm mùa lũ luôn có món đu đủ luộc, xào hay làm gỏi…

Những năm 90 của thế kỷ trước, mì tôm cũng là “đặc sản” mà chỉ mùa lũ, bọn trẻ con mới có dịp ăn.

Khi ấy, các đoàn cứu trợ thường mang theo mì tôm, ưu tiên cho các hộ có nhà bị ngập lụt, các xóm gần bờ sông. Thế nên, mì tôm và đu đủ là những mặt hàng được dự trữ trong nhà vào mùa mưa lũ.

Canh đu đủ, mì tôm chỉ đơn giản gồm đu đủ xanh gọt vỏ, bào sợi hay thái mỏng. Bắc nồi nước lên bếp, đun sôi, thả đu đủ vào nấu gần chín thì cho mì tôm vào. Còn gia vị tận dụng sẵn gói bột nêm trong gói mì, xắt mỏng nắm lá lốt trong vườn cho vào nồi canh.

Chỉ đơn giản như vậy thôi, nhưng tô canh đu đủ, mì tôm có sức ngon khó cưỡng. Một phần có lẽ vì tiết trời khá lạnh vào những ngày mưa gió, bữa cơm mùa lũ cũng tập trung cả nhà đông đủ. Bát canh ấm nóng, múc ra chén, ăn có vị bùi chín mềm của đu đủ, hương vị của sợi mì quyện vào. Đu đủ nhờ có mì tôm mà thêm phần đậm đà, còn mì tôm nhờ có đu đủ vừa giúp no bụng, mà vẫn cung cấp rau xanh cho cơ thể.

Đọc các thông tin trên báo chí, lòng tôi lại quặn thắt khi hình ảnh nước lũ mênh mông ngập đến nóc nhà các tỉnh Bắc Trung Bộ suốt những tuần qua. Những chuyến hàng cứu trợ lại về với bà con vùng lũ, xoa dịu phần nào những vất vả, đắng cay mà bà con phải gánh chịu. Những suất cơm, bát mì ăn vội giữa mùa lũ cũng làm ấm lòng lúc ngặt nghèo. Lại thấy thương sao khúc ruột miền Trung trong cảnh “gió bão bùng, nước chập chùng cuốn trôi làng quê”.

HUỲNH THẢO

  • Hình bìa: Đu đủ xanh, mì tôm có lẽ là những thực phẩm “thường trực” trong mùa mưa lũ ở miền Trung. Ảnh: HUỲNH THẢO

Nguồn: Báo Quảng Ngãi điện tử

Recommended For You

Để lại một bình luận