Bưởi da xanh dần thu hẹp diện tích

Huyện Đạ Tẻh đang tiến hành đăng ký nhãn hiệu “Bưởi da xanh Đạ Tẻh”, nhưng trong cơn lốc trồng sầu riêng, bưởi rớt giá thì nông dân một số nơi trên địa bàn lại phá bỏ, chuyển đổi loại cây này để trồng sầu riêng. Các địa phương trong huyện có diện tích trồng bưởi da xanh lớn đều giảm diện tích.

Mảnh đất Đạ Tẻh rất thích hợp cho các loại cây ăn trái có múi như bưởi, cam, quýt, sầu riêng. Chất lượng cây ăn trái nơi đây đã được thị trường ưa chuộng và khách hàng khẳng định.

Cây bưởi da xanh là một cây thích hợp với các bãi bồi phù sa, triền đồi; những năm qua đã mang lại thu nhập đáng kể cho nông hộ.

Hiện tại, địa phương đang tiến hành đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Bưởi da xanh Đạ Tẻh”. Theo đó, huyện Đạ Tẻh đã nộp hồ sơ tới Cục Sở hữu trí tuệ để cơ quan này thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu Đạ Tẻh với các thông tin mô tả tóm tắt đặc tính của trái bưởi da xanh Đạ Tẻh.

Đặc điểm của bưởi da xanh Đạ Tẻh chính là vỏ bưởi có màu xanh đặc trưng, dễ lột và khá mỏng, tép bưởi màu đỏ hồng. Mùi vị bưởi ngọt, không chua, nước bưởi nhiều, mùi thơm đặc trưng; không hạt hoặc rất ít hạt.

Việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Bưởi da xanh Đạ Tẻh” sẽ góp phần làm tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân chuẩn hóa quy trình sản xuất, tăng năng suất và chất lượng trái bưởi, xây dựng thương hiệu cho loại trái đặc sản này.

Tuy nhiên, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đạ Tẻh thì thời gian gần đây bưởi gia xanh giảm diện tích. Chủ yếu người dân chuyển đổi bưởi da xanh sang trồng sầu riêng. Niên vụ bưởi năm nay, giá cả cũng thấp hơn nhiều năm trước.

Theo số liệu của Phòng NN&PTNT thì hiện tại diện tích bưởi da xanh của toàn huyện còn hơn 300 ha. Các địa phương có diện tích trồng bưởi da xanh chủ yếu của huyện như Đạ Lây, Đạ Kho, Mỹ Đức… diện tích đều giảm, có nơi giảm đến hơn 60% diện tích.

Ông Phạm Văn Quốc – Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Lây cho biết, mảnh đất Đạ Lây rất thích hợp cho các loại cây ăn trái có múi như bưởi da xanh, cam, quýt. Nhưng, thời gian gần đây, diện tích bưởi da xanh giảm một cách đáng kể; diện tích lúc cao nhất khoảng 70 ha, giờ còn khoảng 30 ha. Chủ yếu diện tích trên được các hộ chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Tương tự, tại xã Đạ Kho, diện tích bưởi da xanh cũng giảm, những năm trước, cả xã có khoảng 75 ha trồng bưởi thì đến tháng 4/2024 chỉ còn 55,2 ha. Cũng nằm trong vòng xoáy chuyển đổi cây trồng từ bưởi da xanh sang sầu riêng, xã Mỹ Đức cũng giảm diện tích khoảng 10 ha trong vòng 1 năm nay; từ 70 ha xuống còn 60 ha.

Theo Hội Nông dân xã Mỹ Đức thì năm nay giá bưởi da xanh thấp; bưởi da xanh hàng đẹp giá khoảng 17 nghìn đồng đến 18 nghìn đồng/kg. Những năm về trước, giá bưởi dao động từ 20 nghìn đồng đến 25 nghìn đồng/kg. Hiện nay, một số diện tích bưởi da xanh đã được người dân chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Anh C, một nông dân trồng bưởi da xanh ở huyện Đạ Tẻh cho hay: Hiện nay, gia đình tôi đã chuyển đổi một phần diện tích trồng bưởi da xanh sang trồng sầu riêng. Năm nay, giá bưởi xuống thấp nên việc chuyển đổi sang trồng sầu riêng theo tôi là hợp lý. Vì vài năm trở lại đây, sầu riêng được giá, thương lái đến tận vườn để đặt mua.

Ông Phạm Xuân Tiện – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đạ Tẻh cho biết: Các địa phương trong huyện có diện tích trồng bưởi da xanh lớn đều giảm diện tích, diện tích giảm thay đổi theo từng tháng, từng quý. Hiện nay, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nên giữ vững diện tích bưởi da xanh cho thu hoạch ổn định, tập trung chăm sóc cây trồng, đảm bảo dinh dưỡng, nước tưới để cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng.

Tại các xã có diện tích trồng bưởi da xanh lớn như Mỹ Đức, Đạ Kho, Đạ Lây, đại diện lãnh đạo UBND các xã đều cho rằng hiện nay việc nông dân phá bỏ, chuyển đổi từ cây bưởi sang cây sầu riêng đang diễn ra vì thực tế sầu riêng cho thu nhập cao, trong khi đó bưởi lại rớt giá. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương cũng có những khuyến cáo với nông dân nên giữ vững diện tích đang cho thu hoạch, tập trung chăm sóc cây trồng.

Thực tế cho thấy, bài toán nông dân tự phá bỏ, chuyển đổi cây trồng này sang cây trồng khác khi được giá đã diễn ra hầu khắp trên địa bàn cả nước. Sự phá bỏ, chuyển đổi cây trồng dẫn đến phá vỡ quy hoạch cây trồng; chênh lệch cung, cầu sản phẩm nông nghiệp.

* Hình bìa: Diện tích trồng bưởi da xanh tại các địa phương trong huyện Đạ Tẻh đều giảm

Nguồn: Báo Lâm Đồng | TỨ ĐỨC

Recommended For You