Buôn Ma Thuột – Từ buôn đến phố

Theo các tư liệu lịch sử, địa danh Buôn Ma Thuột vốn là tên một buôn của đồng bào Êđê Kpă. Vào cuối thế kỷ 19, vùng đất này chỉ có một buôn với khoảng năm chục nhà dài (mỗi nhà là một gia đình tập trung mấy thế hệ với 30 – 40 người sinh sống) do tù trưởng Ama Thuột – một người có thế lực và uy tín cai quản nằm bên dòng suối Ea Tam.

Đến những năm đầu của thế kỷ 20, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn đơn lẻ nữa mà đã quy tụ thêm hàng chục buôn khác. Tên gọi Buôn Ma Thuột thành tên chung của cả vùng đất, nghĩa là làng của Ama Y Thuột – làng của cha Y Thuột theo tiếng Êđê.

Sau khi xâm lược và bình định được vùng Tây Nguyên, thực dân Pháp bắt tay vào việc xây dựng bộ máy thống trị. Pháp thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904), đồng thời chuyển tỉnh lỵ từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột. Lúc mới thành lập, chỉ có cấp tỉnh, còn ở cấp dưới vẫn là các buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Sau gần một năm trở thành tỉnh lỵ của Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột đã có nhiều thay đổi và được thể hiện trên tấm bản đồ Buôn Ma Thuột năm 1905, trong nội thị đã có tòa công sứ, văn phòng làm việc, trại lính, nhà tù, bệnh xá, trường học…

Khi Sabachiê làm công sứ tỉnh Đắk Lắk (1923), thực dân Pháp đã đẩy mạnh việc xây dựng Buôn Ma Thuột để phục vụ cho chính sách thống trị lâu dài ở vùng đất này.

Ngày 5/6/1930, Khâm sứ Trung kỳ đã ký nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột.

Dù trở thành thị xã, song Buôn Ma Thuột lúc ấy vẫn mang dáng dấp cuộc sống buôn làng, vẫn những căn nhà truyền thống của người Êđê. Trưởng làng do công sứ phê duyệt và được hưởng phụ cấp.

Hằng ngày người dân vẫn mang gùi, vác xà gạc lên rẫy, đêm về vẫn những ánh đèn dầu, ánh lửa từ ống nhựa cây le lói trong mỗi căn nhà. Mỗi dịp lễ hội truyền thống của người Êđê, tiếng chiêng dè dặt vang lên trong sự kiểm soát của lính tuần tra trị an.

Cùng với các chính sách cai trị về chính trị, kinh tế, thực dân Pháp bóp nghẹt mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cũng như cả nước Việt Nam. Hạn chế tối đa hoạt động và sự tiếp thu văn hóa của nhân dân, thực dân Pháp thực hiện chính sách “ngu dân” không xây dựng trường học mà xây dựng nhà đày Buôn Ma Thuột bắt nhốt những người chống đối lại lợi ích của chúng…

Đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk và thị xã Buôn Ma Thuột đã sống cuộc sống nghẹt thở, mất tự do dưới sự cai trị của thực dân Pháp, rồi sau này là đế quốc Mỹ…

Cuộc sống tự do chỉ có được khi Buôn Ma Thuột được giải phóng ngày 10/3/1975. Theo lời kể của Thiếu tướng Trịnh Hoàng Lâm, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, khi bộ đội ta tiến vào Buôn Ma Thuột, thị xã chỉ là những dãy đường phố nhà ván lợp tôn nghèo nàn, hiu hắt…

Địa hình khó khăn, giao thông không thuận lợi, mãi đến năm 1990, sau bao nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 470 thuộc Binh đoàn Trường Sơn chế ngự được con thác Dray H’linh để xây dựng Nhà máy thủy điện Dray H’linh, dòng điện sáng đã mang đến bao niềm vui cho cư dân thị xã cao nguyên.

Ngã Sáu Buôn Ma Thuột hôm nay. Ảnh: Nguyễn Gia

Ngày 21/1/1995, Buôn Ma Thuột trở thành thành phố, đây là dấu ấn quan trọng về sự phát triển của Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Từ một đô thị loại IV năm 1975, Buôn Ma Thuột đã phát triển thành đô thị loại III năm 1995, được công nhận đô thị loại II năm 2005.

Đầu năm 2010, Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Ngày nay, TP. Buôn Ma Thuột đã trở thành một đô thị mang dáng dấp của đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, vừa hiện đại vừa giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc bản địa.

Buôn Ma Thuột ngày nay còn tiếp nhận các dân tộc anh em từ mọi miền về cùng sinh sống, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, góp phần tô thắm thành phố trung tâm Tây Nguyên thêm rực rỡ.

Với vị trí trung tâm khu vực Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển. Những quyết sách như Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 72/2022/QH15 của Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột là những cơ sở, động lực để Buôn Ma Thuột khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để vươn lên trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh, giàu bản sắc và trở thành một trong những thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử | Nguyễn Liên

* Hình bìa: Đồng bào Êđê ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn giữ gìn nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông. Ảnh: Nguyễn Gia

Recommended For You