Ngày 4/7/2024, Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc H’Mông của thôn Nam Trung, xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên chính thức ra mắt, ghi nhận những nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương trong việc giữ gìn, trao truyền và phát triển những giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc H’Mông ở huyện Cát Tiên; đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong quảng bá du lịch của địa phương…
Nam Ninh là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cát Tiên, được sáp nhập cùng với xã Mỹ Lâm từ ngày 1/3/2020, với dân số hiện có hơn 3.500 nhân khẩu. Người H’Mông chiếm khoảng 10% dân số toàn xã, di cư vào Nam Ninh từ những năm 1991 -1993 (tập trung sinh sống nhiều nhất ở thôn Ninh Trung với 25 hộ/128 khẩu) để lập nghiệp, đời sống kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước, điều, chăn nuôi), và bắt đầu phát triển mô hình trồng các loại cây ăn quả…
Đồng bào dân tộc H’Mông đến Cát Tiên đã mang theo những giá trị văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể; đồng thời, họ luôn có ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Các giá trị văn hóa được duy trì và trao truyền, bổ sung và sáng tạo theo chiều hướng tích cực, hòa chung trong “dòng chảy” của cộng đồng văn hóa của các dân tộc Việt Nam nói chung và làm phong phú thêm bản sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Cát Tiên…
Từ đầu năm 2024 đến nay, người H’Mông ở Cát Tiên thường xuất hiện với các bộ trang phục truyền thống ấn tượng và nổi bật trong nhiều hoạt động quảng bá văn hoá và du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Trang phục truyền thống của người H’Mông được dệt từ sợi cây lanh, có màu sắc sặc sỡ và đa dạng. Trong đó, áo của người phụ nữ H’Mông có cổ phía trước hình chữ V, họa tiết và màu tuỳ thích; phần cổ phía sau hình chữ nhật, trang trí hoa văn hài hoà và trang nhã với hoa văn ở cổ trước.
Người phụ nữ thường đeo vòng bạc, tạo âm thanh vui nhộn. Hai ống tay áo cũng được thêu hoa văn lằn ngang với đủ màu sắc từ cườm tay đến nách, làm chiếc áo thêm nổi bật.
Váy của người phụ nữ xoè rộng, tăng thêm phần uyển chuyển và duyên dáng cho mỗi bước đi. Khi mặc váy, phụ nữ H’Mông đều mang theo yếm phía trước dài xuống chân.
Bộ trang phục của người phụ nữ H’Mông còn có xà cạp quấn chân tạo thêm nét kín đáo. Họ còn đeo nhiều trang sức như khuyên tai, vòng tay, nhẫn và các bộ xà ích…
Con trai dân tộc H’Mông thường mặc quần đen, ống rộng để có thể leo đồi núi và biểu diễn các bước khèn dễ dàng.
Trang phục của cả nam và nữ đều được tạo ra từ bàn tay khéo léo của người phụ nữ H’Mông… Đặc biệt, phụ nữ dân tộc H’Mông còn có những chiếc mũ được trang trí rất cầu kỳ, làm hoàn toàn thủ công và các hoa văn đều là thêu bằng tay, nhiều màu sắc và đính các đồng xu bằng bạc, hạt cườm sặc sỡ trông rất đẹp mắt, được đội trong những dịp lễ hội, tết, hay sự kiện quan trọng…
Đàn ông và đàn bà H’Mông cũng thường quấn khăn trên đầu để che gió lạnh, với các màu sắc phong phú…
Trong tháng 5/2024, UBND huyện Cát Tiên đã tổ chức lớp truyền dạy thổi khèn, múa khèn cho con em đồng bào dân tộc H’Mông ở độ tuổi từ 15 đến 30. Lớp truyền dạy giúp người dân hiểu được ý nghĩa của khèn, sáo trong đời sống của đồng bào dân tộc H’Mông; cách sử dụng khèn, sáo, kỹ năng thổi và biểu diễn múa khèn. Các học viên cũng được tập luyện và biểu diễn thổi, múa thành thạo được 3 bài đặc trưng của đồng bào H’Mông, là: Múa khèn giao lưu về tình bạn; Múa khèn các điệu nhảy khèn truyền thống (dùng trong lễ hội); Múa khèn vui trong Ngày cưới (đón, rước dâu, cúng nhà).
Lớp truyền dạy là một trong những hoạt động triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025; góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Cát Tiên.
Bên cạnh đó, lớp truyền dạy thổi khèn, múa khèn hướng tới hoàn thiện mục tiêu xây dựng và phát triển nguồn nghệ nhân thổi khèn, múa khèn của đồng bào dân tộc H’Mông, tạo nguồn nhân lực trẻ, ổn định làm lực lượng nòng cốt trong việc tổ chức, tham gia các hoạt động văn hoá truyền thống của địa phương cũng như của tỉnh và khu vực, góp phần phát triển dịch vụ – du lịch, đa dạng các nội dung hoạt động của hệ thống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số…
TIỂU VÂN
- Hình bìa: Người H’Mông biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong Tuần lễ Vàng Du lịch Lâm Đồng 2024
Nguồn: Báo Lâm Đồng