Xa quê đã lâu, nhưng trong tôi vẫn luôn đọng lại biết bao nhiêu là kỷ niệm về cánh đồng chiều vàng vọt ánh nắng của những buổi chăn trâu cùng lũ trẻ trong xóm.
Ngày ấy, suốt những năm cấp 1 tôi đều học buổi sáng, vì vậy mà sáng tới trường, chiều lại rong trâu ra đồng gặm cỏ đến sẩm tối mới lùa trâu về.
Gia đình tôi neo người, khi chỉ có bố mẹ và chị cả, mà chị cả luôn phải theo phụ bố mẹ lo toan các công việc đồng ruộng nên việc chăn trâu luôn là phần của tôi.
Ở làng quê, việc chăn trâu bò vẫn thường dành cho trẻ nhỏ, người già sức yếu, bởi nếu có sức khỏe, hay lớn hơn chút nữa và thạo việc rồi thì công việc phải là cày, cấy, vun trồng lúa, cây trồng ở ngoài đồng.
Cũng như hầu hết các hộ gia đình nơi thôn quê, bố mẹ tôi nhận làm tới hơn một mẫu ruộng, vì thế việc nuôi trâu để dùng vào việc cày bừa đất là bắt buộc, bởi nếu không nuôi trâu mà đi thuê công cày bừa thì mỗi vụ mùa số tiền phải trả công cho người ta là rất nhiều. Chẳng vậy, dẫu neo người đến đâu thì bố mẹ tôi không bao giờ từ bỏ việc nuôi trâu.
Các cụ xưa từng bảo: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, quả rất đúng, vì nếu không có con trâu đỡ đần thì cả gia đình làm nông sẽ cực kỳ vất vả. Có thể thời nay, khi mà sức kéo nông nghiệp đã được thay thế bằng máy móc thì câu nói đó đã lỗi thời, nhưng khi tôi còn nhỏ thì nó hoàn toàn đúng.
Làng tôi có vài trăm hộ thì cũng chỉ có dăm bảy hộ không đủ khả năng nuôi trâu bò, còn nhà nào cũng nuôi từ một tới hai con. Vì hộ nào cũng nuôi như thế nên cứ chiều nào cũng vậy, các bờ vùng bờ thửa trên cánh đồng làng, từng đàn trâu bò đông nghịt tung tăng gặm cỏ.
Vào những tháng mùa hè, khi dắt trâu ra đến đồng rồi, để cho trâu tự do gặm cỏ, tôi hay tìm chỗ mát dưới bóng cây to để ngồi chơi cùng lũ trẻ cùng trang lứa.
Nhiều bữa, chúng tôi lội mương be bờ tát vét, bắt cua cá mang về để gia đình cải thiện bữa ăn. Cũng có hôm, mấy đứa lại chia nhau mỗi đứa một bờ ruộng để đi vồ châu chấu, bởi món châu chấu rang ăn rất giòn ngon, mặc dù gia vị chỉ là chút mỡ lợn, muối, vài cái lá chanh thái mỏng.
Và tôi cũng không dễ gì quên được những buổi đi chăn trâu đồng chiều, khi trời nắng nóng, cả hội hay tụ tập nhau về bến nước bên con sông đào ở bìa làng để tắm mát. Bến sông này không quá sâu, nước lại trong xanh, nền đáy lại là cát pha lẫn sỏi núi nên không bị lún sụt bùn, vì vậy tắm ở đây không chỉ an toàn mà còn sạch sẽ. Mà bọn trẻ quê như chúng tôi mới 7 – 8 tuổi là đã học bơi, bắt chuồn chuồn cắn rốn rồi, nên đứa nào cũng bơi thạo từ rất sớm, chuyện bị đuối nước là không bao giờ có.
Nếu như những tháng mùa hè có nhiều trò vui, công việc đi kèm với nhiệm vụ chính là chăn thả trâu bò, thì khoảng thời gian mùa đông giá rét, bọn trẻ chúng tôi cũng nghĩ ra không ít trò để tiêu khiển cho đỡ nhàm chán.
Một trong những trò chơi nơi đồng chiều của các buổi chăn trâu ấy, được xem là vui nhất, đó là trò đốt lửa!
Vâng, vì mùa đông gió luôn thổi vù vù rét mướt đến cắt da thịt, nên hễ cứ dắt trâu ra đồng xong là cả hội nhanh chóng lo tìm chỗ khuất gió để nhóm củi, nổi lửa.
Củi thường chúng tôi kiếm từ trong làng mang đi theo, khi hôm thì mấy cành tre khô, lúc lại vài thanh củi chẻ ra từ đoạn gốc tre khô, hay cây gỗ mục nhà ai đó.
Ngày đó chưa có bật lửa gas, hộp diêm cũng còn quá hiếm, vì vậy cách duy nhất để chúng tôi giữ lửa và mang lửa ra đồng là cây mồi bện rơm. Chỉ một đon rơm bện chặt làm mồi, chúng tôi có thể giữ được lửa không chỉ dăm bảy tiếng, mà có khi đến cả ngày, khi mồi rơm cháy lụi, lửa mới tắt. Khi đống lửa được đốt lên, hơi lạnh bị đẩy lùi ra xa, cả bọn túm tít quây quần xung quanh, chuyện trò, cười đùa và sưởi ấm.
Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ nguyên cái cảm giác thích thú, khoan khoái trong những lúc đốt lửa mùa đông của thời ngày thơ ấu ấy. Việc đốt lửa hầu như không bao giờ chỉ để sưởi ấm không thôi, mà đống lửa còn để chúng tôi nướng khi thì khoai, lúc lại sắn, trứng, ngô, chuối xanh… Các thứ dùng để nướng ấy đều có sự phân công cho từng đứa mang theo…
Cũng có hôm bọn chúng tôi vào ruộng nhà người ta để ăn trộm ngô, khoai, sắn… để nướng. Ôi, vẫn biết việc ăn trộm là không tốt, nhưng hành động ấy gắn liền với ký ức thời tuổi thơ sao tôi vẫn thấy đáng yêu, không thể nào quên…
Trịnh Viết Hiệp