Ứng dụng công nghệ vào ruộng đồng không chỉ giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm mà nhiều bạn trẻ còn tạo bước ngoặt trong ngành nông nghiệp.
Chăm chú cùng các kỹ sư trẻ kiểm tra những công đoạn cuối cùng của chiếc máy bay không người lái (drone) trước khi đưa vào sử dụng, Giám đốc điều hành Công ty CP thiết bị bay AgriDrone Việt Nam Nguyễn Văn Thiên Vũ (32 tuổi, ngụ quận Bình Tân) chia sẻ, anh không ngừng nuôi khát vọng tạo sinh kế bền vững cho nông dân, góp phần nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam.
Chàng trai 9X tâm sự, cơ duyên đến với nghề “phi công nông nghiệp” nhen nhóm khi anh còn là sinh viên Khoa Điện-Điện tử, Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đó Vũ nghiên cứu làm đồ án về hệ thống cân bằng trên máy bay không người lái. Sau đó, anh cùng các cộng sự nghiên cứu và phát triển các dòng máy bay ứng dụng các mặt trong đời sống.
Đến năm 2018, anh mới thật sự dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp. Khi ứng dụng máy bay không người lái vào nông nghiệp đã thay thế sức người và giúp cho việc sản xuất nông nghiệp có năng suất cao hơn, hiệu quả hơn và góp phần bảo vệ môi trường.
Máy bay không người lái đã được ứng dụng trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, gieo hạt và thực hiện vai trò của một “chuyên gia” thăm khám ruộng đồng.
“Việt Nam là nước nông nghiệp, trong khi phần lớn các công đoạn trong quá trình canh tác sản xuất lúa đều được ứng dụng cơ giới hóa. Riêng khâu phun thuốc bảo vệ thực vật thì hầu như vẫn còn sử dụng phương pháp thủ công là chính, ảnh hưởng sức khỏe người thực hiện. Vì thế, việc sử dụng máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật là “mảnh ghép” còn thiếu trong bức tranh cơ giới hóa nông nghiệp của quá trình canh tác lúa hiện nay”, Thiên Vũ nhìn nhận.
Trong vòng 5 năm, Thiên Vũ đã áp dụng công nghệ cho khoảng hơn 30.000 hộ nông dân trên toàn quốc và đã cải thiện sinh kế đáng kể cho người dân và góp phần bảo vệ môi trường.
Cụ thể, khi áp dụng công nghệ đã giúp giảm 20%-25% chi phí canh tác, nâng cao chất lượng nông sản. Việc áp dụng công nghệ đã giúp bảo vệ môi trường khi rác thải được gom xử lý tập trung hơn, giảm được số lượng thuốc bảo vệ thực vật đưa ra môi trường, từ đó giảm ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước. Quá trình triển khai đã giảm được khoảng hơn 1,5 tỷ lít nước trong canh tác, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Thiên Vũ còn có tham vọng muốn góp sức vào việc đưa nông sản Việt Nam lên bản đồ thế giới. Theo Vũ, dư địa của nông sản Việt Nam cực kỳ lớn. Thời gian gần đây, nông sản Việt Nam được đánh giá rất cao trên trường quốc tế, có ứng dụng công nghệ mới để mở rộng canh tác… góp phần phát triển nông sản Việt Nam theo hướng sạch, hữu cơ để sản phẩm nông sản Việt Nam có tên tuổi trên bản đồ thế giới. Khi nông sản có đầu ra ổn định sẽ góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Với lĩnh vực nông nghiệp là vậy, còn trong nuôi trồng thủy sản, Thạc sĩ công nghệ sinh học Phạm Quang Thắng (30 tuổi) lại miệt mài không ngừng nghiên cứu, ứng dụng những mô hình mới.
Là Trưởng phòng nghiên cứu công nghệ sinh học và thủy sản Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao thuộc Ban Quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Thắng không chỉ trực tiếp tham gia nghiên cứu các quy trình công nghệ thuộc lĩnh vực thủy sản, công nghệ sinh học để đưa ra các mô hình, sáng kiến áp dụng tại đơn vị mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Phạm Quang Thắng có nhiều mô hình áp dụng vào thực tiễn, làm tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho đơn vị ứng dụng. Đó là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trong hồ tròn lót bạc HDPE; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn ứng dụng hệ thống giám sát môi trường (IoT) tại huyện Cần Giờ; mô hình chế biến một số sản phẩm từ sâm bố chính.
Các mô hình nêu trên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Anh chia sẻ, tôm Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài thường bị vướng do sử dụng thuốc kháng sinh hoặc dư lượng kim loại nặng, khi áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng do anh nghiên cứu sẽ giúp tôm ít bệnh, chất thải của tôm được thu gom và chuyển sang ao lắng khác, chất thải đó được xử lý để làm phân bón, không gây ảnh hưởng môi trường.
Đáng chú ý, tôm xuất khẩu không có dư lượng kim loại nặng hoặc thuốc kháng sinh. Với dự án nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng IoT có thêm ưu điểm là thông số nước trong ao nuôi được đo liên tục thông qua hệ thống thông minh. Những thông số vượt ngưỡng cho phép sẽ ngay lập tức được gửi cảnh báo đến điện thoại người nuôi, giúp kịp thời xử lý sự cố.
Năm 2019, mô hình đã được chuyển giao cho huyện Cần Giờ, đem lại hiệu quả cao. Thời gian đầu chuyển giao mô hình, anh Thắng cùng đồng nghiệp gần như “cùng ăn, cùng ở” với nông dân để theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển con tôm, hạn chế những rủi ro thấp nhất.
“Mặc dù diện tích hồ nhỏ nhưng đầu tư con giống rất nhiều tiền. Do đó, mình luôn sát cánh cùng nông dân. Khi tất cả đã ổn định, nông dân hiểu rõ quá trình vận hành, mình mới về lại Trung tâm nhưng luôn theo dõi, quan sát để hỗ trợ nông dân đạt được hiệu quả cao nhất, ít sử dụng hóa chất nhất”-anh Thắng cho biết.
Không ngừng chinh phục nông nghiệp bằng công nghệ, đổi mới sáng tạo…, những người trẻ này không ngừng thực hiện khát vọng hỗ trợ nông dân, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ có hoài bão, đam mê làm nông nghiệp.
Trong tháng 3 này, nhiều tin vui đến với hai “nông dân 4.0” Nguyễn Văn Thiên Vũ đã trở thành một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022; Phạm Quang Thắng được tôn vinh là Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, ngoài ra anh còn được trao giải thưởng Lương Định Của năm 2022.
Bài và ảnh: PHƯƠNG VY
- Hình bìa: Nguyễn Văn Thiên Vũ với khát vọng ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào nông nghiệp.
Nguồn: Báo Nhân Dân