Trong ký ức tuổi thơ tôi, chợ phiên quê là dấu ấn đọng in sâu lắng nhất, không phai nhòa qua nhiều năm tháng chất chồng.
Chợ họp trên vạt đất rộng ngay cạnh ao sen dưới chân núi Sài Sơn. Đây là đường vào chùa Thầy (Thiên Phúc), nên người ta thường gọi là chợ Thầy.
Chợ có khoảng mươi cái lều cố định để tạm tránh nắng che mưa dành cho các mặt hàng “cao cấp” như vải lụa, hàng xén, hương đèn vàng mã, phản thịt… còn lại thì họp lộ thiên. Người bán hàng cũng là khách mua hàng. Bán xong rổ rau người ta tìm mua mớ tép. Bán xong bu gà người ta mua con lợn giống về nuôi… Cho nên gặp nhau ở chợ – nhiều người ở các xã khác về – ai cũng vui vẻ chào hỏi nhau như đã thân quen dù chả ai biết tên ai.
Chợ không phân lô cắm biển (vì trước năm 1945, ngoài lũ “học trò thò lò mũi xanh” chúng tôi ra chẳng ai biết chữ), nhưng các mặt hàng được người ta tự động sắp xếp theo từng chủng loại. Bây giờ hình dung lại tôi thấy là hợp lý. Vào chợ, khách hàng lần lượt sẽ đi qua các sạp hàng khô, sạch sẽ như vải vóc, hương đèn vàng mã, kim chỉ, giấy bút mực… Gần hết chợ là khu bán các loại quà bánh. Tại đây khách sẽ tạm nghỉ chân làm bát bún riêu cua, thưởng thức miếng bánh đúc nồng nồng chấm mắm, uống bát nước chè tươi thơm chát, làm điếu thuốc lào… Vui vẻ chuyện trò về mùa màng, vật nuôi, cây trồng, tình hình các chợ quanh vùng… Mua vài xu kẹo bột, kẹo vừng, bánh đa, bánh rán làm quà cho con cháu. Rời khu này khách mới đến chỗ bán thịt, cá, lươn, cua…
Những mặt hàng tinh sạch mua trước đã gói kỹ. Quà đã ăn, đã gói mang về nên khách tha hồ dùng tay lựa chọn mớ cá, xâu ếch, con lươn. Mặt hàng tanh nồng này sẽ được xâu hay buộc bằng lạt xách tòn ten nên không sợ bị ảnh hưởng vì mùi tanh dính tay nhiễm vào các mặt hàng khô tinh khiết.
Hồi đó, gần như phiên nào tôi cũng được đi chợ ăn quà. Lúc thì theo bà. Khi theo mẹ. Lúc lại lẽo đẽo theo cô. Ấn tượng nhất với tôi thuở ấy là những phiên chợ Tết được mẹ mua cho những bức tranh Tết Đông hồ và Tết Trung thu thì được ôm về ông Tiến sỹ giấy.
Mùi giấy màu, mùi hồ dán quyện vào nhau tạo thành mùi thơm đặc trưng của hình tượng thành đạt này đã mê hoặc tôi suốt quãng tuổi thơ!
Bây giờ chợ đã chuyển ra chân đê cuối làng để trả lại đường vào chùa. Các mặt hàng ở chợ bây giờ đa dạng, phong phú hơn xưa gấp bội. Những món quà dân dã xưa, nay dần biến thành các loại bánh kẹo thơm ngon để trong bao bì bắt mắt. Tất cả như phủ phê hào nhoáng nhưng lòng tôi vẫn thấy nao nao da diết nhớ cảnh sắc, con người của chợ quê xưa.
Ngày ấy người ta đến chợ không phải chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa. Người ta đến để trút bỏ những lo toan đời thường. Để gặp nhau tay bắt mặt mừng, rôm rả chuyện trò với nhau như người thân lâu ngày gặp lại. Chợ xưa hòa đồng thân thiết chứ không hối hả bon chen, chua ngoa thách đố, dèm pha ngoa ngoắt như người mua kẻ bán ở chợ bây giờ…
Nét đẹp chợ quê xưa giờ chỉ còn là hoài niệm.
Đào Quang Bắc
Nguồn: Báo Tin Tức