Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), TP.HCM đã triển khai đồng thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và đạt được kết quả tích cực. Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng vào việc xác lập vị trí nhiều mặt hàng nông sản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản chủ lực của Thành phố, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân các huyện ngoại thành.
Một số chính sách trọng tâm được triển khai thực hiện trên địa bàn TP.HCM như Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được Thành phố ban hành theo theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND và hiện nay là Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017, Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND ngày 23/3/2021.
Theo đó, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp được đánh giá là chương trình đem lại hiệu quả tích cực, triển khai đến đông đảo người dân trên địa bàn thành phố. Chính sách này hỗ trợ lãi vay cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản phẩm OCOP. Đặc biệt, tập trung vào phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố, gồm: rau, hoa kiểng, cá kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và các sản phẩm OCOP mang tính chất đặc trưng vùng miền của thành phố. Người dân sẽ được ngân sách hỗ trợ theo các mức từ 60% – 100% lãi suất tuỳ thuộc vào đối tượng cây trồng, vật nuôi.
Giai đoạn từ 2011 – 15/6/2021, HĐND thành phố, các quận – huyện đã phê duyệt 8.504 quyết định, với 24.611 lượt hộ dân được hỗ trợ lãi vay theo Chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, tổng vốn đầu tư 13.847,771 tỷ đồng, tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất 8.403,278 tỷ đồng.
Việc hỗ trợ lãi vay theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân phát triển các sản phẩm OCOP, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao, chuyển dịch sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, đã góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp thành phố.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM đã có 11 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình và khoảng 100 cán bộ đã tham gia đào tạo tập huấn kiến thức về OCOP. Chương trình đã thiết kế website cho 95 đơn vị; thiết kế logo, nhãn hiệu cho 115 đơn vị; tổ chức 626 phiên chợ với sự tham gia của 11.557 lượt đơn vị; tổng số thỏa thuận, đơn đặt hàng tiêu thụ đạt trên 22 tỷ đồng/năm. Từ đây người dân yên tâm hơn khi đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Theo Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM, để Chương trình OCOP – mỗi xã một sản phẩm, được triển khai hiệu quả và gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố, cần bám sát với mục đích và ý nghĩa của Chương trình. Góp phần phát huy sức mạnh nội lực, phát huy tính sáng tạo, trong đó chủ thể tập trung là các hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất kinh doanh… Dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm tham gia Chương trình. Đây được xem như giá trị cốt lõi để Chương trình OCOP của Thành phố có thể vững bước qua nhiều khó khăn, thách thức khác nhau.
Trong thời gian tới, TP.HCM nên tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; tập trung công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm. Lồng ghép cơ chế hỗ trợ đối với các sản phẩm công nhận OCOP trong chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị giai đoạn 2021 – 2025. Xây dựng cơ chế hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trong Chương trình xúc tiến Thương mại trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực, đào tạo nghề; phát triển chuỗi giá trị; có cơ chế khen thưởng đối với các chủ thể tham gia OCOP…
AN CHI
Ảnh chụp vườn lan của HTX Hoa lan Việt ở Bình Chánh.