Chuyển đổi số, nhiều thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong bối cảnh công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ, việc chuyển đổi số đã trở thành một nhu cầu cấp thiết đối với mọi doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Tuy nhiên, các doanh nghiệp SME đang đối diện nhiều thách thức khi triển khai các hoạt động chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình.

Theo Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2023 của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp SME, đang được cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu và tiếp cận các xu hướng, giải pháp công nghệ mới nhằm ứng dụng vào hoạt động kinh doanh. Khoảng 90% số công ty tham gia khảo sát đến từ các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội với mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trung bình đều ở mức nâng cao (với điểm số hơn 3.0).

Ông Phan Phương Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DXCenter) cho biết: Chuyển đổi số không chỉ giúp cải thiện hiệu suất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà còn tạo ra những cơ hội tiếp cận các khách hàng tiềm năng và mở rộng thị trường. Mỗi tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, các lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Ði nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Cũng theo ông Phan Phương Tùng, hòa cùng xu thế của thế giới thì AI (trí tuệ nhân tạo) đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho các tổ chức và cá nhân trong các hoạt động như: AI giúp tự động hóa các quy trình kinh doanh, từ đó giảm sai sót và tăng hiệu suất làm việc.

Ông Phan Phương Tùng đưa ra thí dụ, các chatbot AI có thể hỗ trợ khách hàng 24/7, giải quyết các vấn đề cơ bản mà không cần sự can thiệp của con người. AI có khả năng xử lý và phân tích lượng dữ liệu lớn một cách nhanh chóng và chính xác, có thể học từ hành vi và sở thích của người dùng để cung cấp các đề xuất và dịch vụ cá nhân hóa. AI còn mở ra cơ hội cho việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, từ xe tự lái đến các ứng dụng y tế thông minh. Ðiều này không chỉ tạo ra giá trị mới mà còn thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo.

Ông Phí Anh Tuấn, Trưởng ban Chuyển đổi số mảng doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những “băn khoăn” thường xuyên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là lựa chọn đúng nền tảng chuyển đổi số phù hợp, bởi nếu lựa chọn nhà tư vấn không phù hợp dẫn đến tổn thất cả thời gian và tiền bạc. Hiện, có quá nhiều công nghệ trên thị trường, cũng như nhiều giải pháp từ giải pháp Việt Nam đến giải pháp quốc tế, doanh nghiệp không đủ thông tin để lựa chọn đúng giải pháp, và chưa tiên lượng được khả năng mở rộng trong tương lai. Cho nên, doanh nghiệp cần lựa chọn giải pháp có khả năng tích hợp cao, có tính thực tiễn; đáp ứng mọi quy mô doanh nghiệpDoanh nghiệp chưa đủ tiềm lực chuyển đổi số đồng bộ thì nên triển khai từng bước, mở rộng theo sự phát triển của doanh nghiệp, và triển khai theo hướng mở để hình thành hệ sinh thái số.

Tính đến năm 2023, khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau, và 98% số doanh nghiệp kỳ vọng rằng, chuyển đổi số sẽ mang lại những thay đổi đáng kể trong hoạt động kinh doanh, giảm chi phí và cải thiện hiệu quả sản xuất.

Ðiều này cho thấy, doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực đều nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chuyển đổi số, chủ động tích hợp các mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển, đồng thời tăng cường nguồn lực đầu tư nhiều hơn vào những dự án chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình.

Ðây là một dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp ở tất cả ngành nghề đều đã sẵn sàng cho bước tiến chuyển đổi số mang tính đột phá và toàn diện này. Bà Ðào Thị Hồng Lê, Giám đốc Tokyo Tech Lab Việt Nam cho rằng: Chuyển đổi số hiện nay không còn là xu hướng mà đã trở thành nhu cầu cấp thiết của mọi doanh nghiệp. Do đó, các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số cần phải cung cấp được nền tảng đáp ứng không chỉ chuyên môn nghiệp vụ đa dạng, mang tính tiện dụng và khả năng tùy biến cao, mà còn phải bảo đảm hiệu năng, cũng như tính bảo mật để phù hợp với xu thế của internet toàn cầu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp SME đang đối diện nhiều thách thức khi triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Trong đó, khó khăn chính bao gồm chi phí đầu tư cao cho công nghệ mới, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, cũng như nguy cơ rò rỉ dữ liệu và thiếu hụt nhân lực kỹ thuật.

Những thách thức này đang khiến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp SME tại Việt Nam diễn ra chậm hơn so với tiềm năng, và cần có những hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính phủ và các cơ quan liên quan để thúc đẩy sự thay đổi này.

Ông Hoàng Văn Tam, Giám đốc Công ty DigiTech Solutions cho biết: Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có chiến lược cụ thể cho quá trình chuyển đổi số, dẫn đến việc triển khai các công nghệ không đồng bộ và kém hiệu quả. Việc không xác định được lộ trình chuyển đổi số phù hợp có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ một cách tối ưu. Nếu doanh nghiệp chưa sẵn sàng nguồn lực, thay vì làm chuyển đổi số tổng thể, thì có thể chuyển chiến lược sang ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào từng quy trình kinh doanh của mình, từ đơn giản đến các quy trình phức tạp.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

  • Hình bìa: Trưng bày các giải pháp chuyển đổi số tại Tuần lễ Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Recommended For You

Trả lời