Tỉnh Bắc Giang có 8 trong số 14 làng cười xứ Bắc, chiếm một nửa số làng cười ở Việt Nam. Đó được xem là “đặc sản” mang đậm những giá trị văn hóa, trở thành những thang thuốc bổ, góp phần cho cuộc sống thêm thi vị và ý nghĩa.
Bằng sự khéo léo tài tình, người dân đã biết chuyển những đề tài tưởng như rất đời thường như chẳng có gì đáng nói để gây cười và chia sẻ cho vơi mệt mỏi và tạo thành cái “điêu ngoa” hấp dẫn. Cái điêu ngoa của họ không đáng ghét. Nó mang đến nụ cười, sự sảng khoái, tạo nên sự lạc quan trước những hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn, nên nghe thật đáng yêu.
Và cũng chính tiếng cười dân gian ở các làng cười đã góp phần thanh lọc cộng đồng, trở thành phép thử trước những bất cập, thái quá, những thói hư tật xấu của con người.
Tiếng cười đó cũng là niềm tự hào quê hương với những “đặc sản” nổi tiếng được ngoa dụ phóng đại để niềm tự hào đó trở nên vững chắc hơn nhờ tiếng cười tự tin trong cuộc sống.
Cuộc sống lao động quanh năm vất vả, nghèo đói, đã hình thành nên một môn nghệ thuật gây cười để xua đi những mệt nhọc, đói nghèo. Nghệ thuật làm cười, mỗi làng một cách, một vẻ, nhưng đều nhằm mục đích là gây tiếng cười vui vẻ, thích thú cho nhau.
Trong 8 làng cười truyền thống ở Bắc Giang thì 3 làng dùng nghệ thuật khoa trương, dân gian gọi là “nói khoác” hay “nói phét”.
Đó là các làng: Hòa Làng, Dương Sơn, huyện Tân Yên; Tiên Lục, huyện Lạng Giang. Hai làng dùng nghệ thuật châm biếm “nói tức” là Đông Loan và Nội Hoàng, huyện Yên Dũng. Một làng nói nước đôi, dân gian gọi là “nói ngang” là làng Phụng Pháp, tục gọi là “làng Cua”. Một làng nói phô trương “nói khoe” là Cao Lôi (tục gọi là làng Kẻ Chối). Một làng nói bài bác “nói giễu” là Khả Lý (tục gọi là Kẻ Xe), huyện Việt Yên.
Đất Nội Hoàng cả làng nói tức
Nội Hoàng là làng cổ bên bờ nam Sông Thương, huyện Yên Dũng. Nói tức của Nội Hoàng còn được truyền nhiều trong những câu chuyện cổ.
Người dân Nội Hoàng rất tự hào khi kể về lịch sử nói tức của làng. Nói tức ở đây chủ yếu là gây tiếng cười vui vẻ, dù ai nghe “tức” lắm, nhưng vẫn phải bật tiếng cười và không thù hằn.
Truyện kể rằng, quan huyện về Nội Hoàng hỏi Lý trưởng: Làng thầy xóm nào nói tức giỏi nhất? Lý trưởng thưa:
– Bẩm quan, xóm nhà con, có ngõ Muỗi nói tức giỏi lắm.
– Liệu họ có nói tức được ta không?
Lý trưởng thưa:
– Úi chà, họ nói tức đến nỗi chó đá còn phải nhổm dậy nữa là quan lớn!
Lại có chuyện rằng: Thửa ruộng của nhà bà góa, lúc còn chồng mua văn tự viết một sào nay chồng chết bà đi nộp thuế bỗng lên hai sào, bà phàn nàn:
– Ruộng nhà em trước kia bố cháu vẫn đóng thuế một sào, nay sao bỗng thêm hai thước, thưa ông hộ lại?
Ông thư ký hộ lại chỉ vào quyển địa bạ: “Thì đây, chả tin bà xem sổ cái của làng, một sào hai thước rành rành, ai tính gian cho bà làm gì?”.
Bà góa: Sổ cái hả ông? Em thì chữ nghĩa không biết, nhưng sao “làng” không làm sổ đực, cứ làm sổ cái cho nó đẻ thêm diện tích ra để chết dân à?
Hòa Làng nói khoác có ca – Dương Sơn nói phét bằng ba Hòa Làng
Hòa Làng thuộc huyện Tân Yên, xưa kia là vùng đất bạc màu, nên dân nghèo lắm, nhưng nghèo mà vẫn vui, vẫn lạc quan. Mọi người trong vùng thường nói: “Dân Hòa Làng có khác”, hay “Muốn nói khoác thì về Hòa Làng mà nói”… để khẳng định sự việc của người đang nói là không có thật.
Cách Hòa Làng chỉ mấy ngọn đồi, Dương Sơn còn có tên khác là Kẻ Nẻo, là đất có truyền thống học hành, khoa bảng, trong làng có “Dương Sơn hội quán”, nhà để mọi người tập trung bình văn. Dân Dương Sơn tự hào vì làng mình không thua kém ai cả, kể cả nói khoác. Ở Dương Sơn có cụ cả Tam nói khoác vừa hay, vừa có duyên, ngoài nội dung gây cười, cụ còn dùng điệu bộ, âm thanh để gây sinh động hơn, dân làng phong làm “nghệ nhân” nói khoác, hay “trạng bố”.
Cụ kể rằng: Nhà cụ có giỗ, thịt con gà, tuốt cái mỏ trên vứt xuống ruộng, khi mượn người làm cấy họ tưởng đó là cái lưỡi cày lại nhặt đem về.
Nói tức Đông Loan
Làng Đông Loan (nay là Đông Thượng), thuộc xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng. Xưa các cụ có câu “Gái Đông Loan mỏng mày, hay hạt” để nói về sự nhanh nhẹn, đảm đang và có phần tinh nghịch là vậy. Vừa đến nhà ông bí thư chi bộ thôn Hoàng Văn Chủ tôi hỏi: “Ở đây nông thôn mà nhà nào cũng có số nhà như ở phố bác nhỉ”, ông Chủ liền đáp: “Cậu nhìn thì biết lại còn phải hỏi”. Nói rồi ông liền cười và bảo nếu biết trước cậu là nhà báo thì tôi còn nói tức nữa. Rồi ông kể: “Một anh mới sắm được đôi giày da, cứ đi khoe khắp cả. Tối rồi, không thấy chồng về, người vợ tắt đèn đi ngủ. Khoảng nửa đêm mới thấy chồng về, cố ý đi cồm cộp cho oai để khoe với vợ đôi giày mới. Nhưng vào tận cửa vẫn
không thấy vợ bảo gì, anh đành lên tiếng trước:
– Mẹ con ngủ gì mà say đến thế, người ta đi giày kêu to vậy mà không nghe thấy gì à?
Chị vợ trả lời:
– Có, tôi cứ ngỡ là trâu xểnh chuồng, đang định đặt con ra đuổi.
Lại có người nơi khác về Đông Loan, gặp bà cụ ngồi ngay lối đi nên hỏi:
– Cụ ơi, đến nhà ông trưởng thôn cháu phải rẽ lối nào ạ?
– Rẽ thẳng!
– Thưa cụ, cháu phải đi thẳng hay là rẽ lối nào à?
– Thì cháu hỏi rẽ chứ có hỏi đi đâu mà tôi nói đi. Bây giờ hỏi đi, thì tôi nói: Đi thẳng!
Có chuyện rằng, một lần quan trên về đến bến Sông Thương cạnh làng Đông Loan và gặp một anh nông dân đang rửa chân ven sông, bèn buột miệng hỏi: “Ê thằng kia! Sông có sâu không!”. Anh nông dân đáp: “Dạ bẩm quan, đến con đỉa còn không có nữa là lũ sâu bọ…”.
Theo ông Chủ, “Nói tức ở Đông Loan cũng có luật chơi đàng hoàng. Nói chung, nói cho người khác tức nhưng phải dựa trên cách chiết tự, tạo sự bất ngờ ở người đối thoại, nghệ thuật cao là không được dông dài, nói mà người khác “đốp” lại được là chưa phải cao tay. Chỉ cần nói ra một câu mà người đối diện cứng họng mới gọi là tài tình”.
Phụng Pháp nói ngang
Theo cụ Hoàng Ân, 80 tuổi ở đây, thì làng Phụng Pháp còn có tên nôm là làng Cua (ngang như cua), ngày xưa thuộc tổng Mỹ Cầu, phủ Lạng Thương, nay thuộc xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang. Nghệ thuật nói ngang ở đây chủ yếu xoay quanh các chủ đề nhằm so sánh hơn kém, to nhỏ, xa gần… Nói tức của người dân Phụng Pháp thể hiện sự thông minh, hóm hỉnh của người nói, khiến người nghe phải bật cười, vui vẻ chứ không hề sinh ra mâu thuẫn, thù hằn nhau.
Cụ Ân kể: Quan lớn đến làng hỏi bác nông dân: Anh là người Phụng Pháp hả? Bác nông dân kính cẩn nói: Dạ, con vừa là người Phụng Pháp, vừa không phải là người Phụng Pháp ạ… (vì, còn là người làng Cua).
Lại có một gia đình từ làng khác đến dạm hỏi vợ cho con trai mình. Nhưng nói chuyện với bên nhà gái được nửa buổi thì bực mình quá chịu không nổi phải bỏ về. Ông bố kéo cậu con trai ra cổng: “Chẳng cưới xin gì nữa. Nhà gì mà nói ngang như cua ấy”.
Hỏi ra mới biết khi ông bố và cậu con trai vừa đến bên nhà gái, ông bố chào hai ông bà sui gia tương lai: “Tôi chào anh chị”.
Ông bố cô gái bắt bẻ ngay: “Biết tuổi vợ, chồng tôi thế nào mà xưng hô anh, chị?”. Đến khi gặp một cụ già từ vườn sau bước vào, ông sui trai hỏi nhỏ sui gái: “Cụ là bố vợ hay bố đẻ của bác thế?”. “Bố vợ đấy nhưng lại là bố đẻ”. “Bố vợ là bố vợ, bố đẻ là bố đẻ chứ lại?”. “Còn sao nữa, bố vợ tôi nhưng là bố đẻ của em vợ tôi!”.
Ngoài những làng cười trên, ở Bắc Giang còn một số làng cười với nhiều giai thoại, đáng nhớ và rất nhiều lý thú mà tôi chưa có dịp kể hết.