Ở phía bắc sông Trà Khúc có một ngôi làng mà ngày trước mang tên xứ Tiểu Giang, sau đổi thành xã Châu Sa, tổng Trung, huyện Bình Sơn, phủ Tư Nghĩa (nay là xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi). Mỗi con sông, ngọn núi, mỗi xóm nhỏ trên vùng đất này mang đậm dấu tích cổ xưa, trong đó có từ đường họ Võ.
Niềm tự hào của dòng họ Võ
Làng Châu Sa mang đậm dấu tích lịch sử, văn hóa của người Chăm như bàu Ấu, bàu Đề, Cổ Lũy, núi Chồi, thành cổ Châu Sa trong suốt 13 thế kỷ (thế kỷ II – XV). Cũng chính nơi đây, sau cuộc bình Chiêm mở đất của Vua Lê Thánh Tông năm 1471, nhiều dòng họ lớn (Lê, Nguyễn, Võ) từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã vào vùng đất Tiểu Giang lập nghiệp.
Theo phả tộc họ Võ, thủy tổ là ông Vũ Khâm Định, nguyên quán Hải Dương, quan Thượng thư bộ Lễ dưới triều nhà Lê. Năm Quý Mùi (1643), ông từ quan, đưa vợ con, thân tộc vào xứ Tiểu Giang gây dựng sự nghiệp. Qua quá trình sinh sống, âm giọng địa phương bắt đầu thay đổi, nên chữ Vũ đã phát âm thành Võ, từ thủy tổ thứ tư trở về sau dùng chữ Võ thay chữ Vũ.
Tộc Võ còn tự hào là cái nôi sinh ra, nuôi dưỡng nhiều người con ưu tú cho quê hương và đất nước, tiêu biểu là danh tướng Võ Văn Dũng. Ông là con thứ năm trong số 9 người con của ông bà Vũ Văn Để và Hứa Thị Rô.
Tương truyền, từ nhỏ, cậu bé Võ Văn Dũng được cha mời thầy dạy cả văn lẫn võ. Học văn thì tối, còn học võ thì dạy đâu nhớ đó, thầy mới phải thay hằng năm. Sau khi cưới người vợ đầu, ông rời quê vào đất Phú Phong, Tuy Viễn (Tây Sơn), tỉnh Bình Định sinh sống, là bạn tâm giao của Nguyễn Nhạc. Sau đó, ông trở thành một tướng tài phò tá, giúp nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa với những chiến công thần tốc đánh đuổi quân Xiêm, chiến tích bình Thanh với chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa oanh liệt.
Gìn giữ nếp xưa
Ông Võ Trung Tín (61 tuổi), ở đội 2, thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu cho biết, từ đường họ Võ được dựng vào năm Ất Dậu (1645), nguyên là nhà rường gỗ năm gian hai chái, mặt quay về hướng nam, mái lợp ngói âm dương, vách xây gạch vữa tam hợp. Vữa là loại hỗn hợp vững chắc được làm từ mật mía, cây ô dước hoặc dây tơ hồng, vôi bột, vỏ nghêu sò. Đến năm Mậu Ngọ (1918), vì địa thế nơi cũ thấp, mùa mưa đọng nước, nên từ đường được di chuyển đến địa thế hiện nay cao ráo hơn, thuộc đội 2, thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu.
Từ đường họ Võ trải qua nhiều lần tôn tạo vào các năm 1945, 1973, 2000. Hiện nay, các hạng mục công trình của từ đường như cổng, bình phong trụ biểu, từ đường chính và tường bao được trang trí theo phong cách nhà Nguyễn, khoảng thế kỷ XIX. Cổng tam quan gồm 1 cổng lớn và hai cổng nhỏ. Đỉnh cổng trang trí đắp nổi bức hoành hình cuốn thư với dòng chữ Hán Nôm, dịch nghĩa “Võ Từ Đường” cùng các mảng hoa văn chủ đề hoa sen, rồng lá cách điệu. Bình phong có dạng hình cuốn thư, được trang trí vẽ màu. Mặt trước bình phong áp sành chữ “Thọ” và đắp nổi các chủ đề mai trúc (tứ thời), long ẩn vân. Mặt sau đắp hoa sen cách điệu. Trụ biểu trang trí vẽ màu, đỉnh gắn lân chầu.
Từ đường có dạng ba gian, cửa dạng mái vòm, đỉnh trang trí đắp nổi các chủ đề lưỡng long tranh châu, hoa sen. Bên trong từ đường gồm các ban thờ như ban thờ Tiền hiền, thủy tổ Vũ Kim Lâu, tả ban, hữu ban. Nhiều cặp đối chữ Hán được chạm khắc khảm xà cừ rất đẹp do con cháu trong dòng họ phụng cúng.
Hằng năm, từ đường họ Võ có lệ cúng chính vào ngày 12/12 âm lịch. Lễ tế là một trong những lễ lớn trong vùng, con cháu từ Bắc chí Nam cùng đông đảo người dân ở địa phương đến dự.
TẠ HÀ
* Hình bìa: Từ đường họ Võ.
–
Nguồn: Báo Quảng Ngãi điện tử