Còn cha mẹ là còn tất cả

“Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” – câu ca dao mà gần như ai cũng biết, cũng thuộc nói về công ơn to lớn không đo đếm được của mẹ cha. Những ngày tháng 7 âm lịch này lại được mọi người nhắc lại nhiều hơn như một sự ghi nhớ về đạo làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu.

Trong trái tim mỗi người, mẹ luôn là biểu tượng đẹp nhất, là nơi chốn bình yên nhất mà ta luôn muốn trở về. Mẹ không chỉ là quê hương, là bóng mát che chở, mà còn là sự hy sinh thầm lặng, là tất cả những gì đẹp đẽ nhất trên cuộc đời này.

Đôi lúc, mẹ quên đi chính mình, quên đi những nếp nhăn chằng chịt mà sương gió cuộc đời để lại, quên đi sức khỏe vì những lần dãi nắng dầm sương. Nhưng mẹ lại luôn nhớ và ưu tiên những điều tốt nhất dành cho con từ miếng ăn, việc học, sự nghiệp, thậm chí là hạnh phúc lứa đôi. Có câu ca rằng: “Cha thương con cha làm, mẹ thương con mẹ nói”.

Cha mẹ là vậy đấy, luôn yêu thương, dành trọn sự quan tâm và những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta. Vì thế, không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, không tình cảm nào sánh bằng tình yêu thương của mẹ cha.

Vậy nhưng đôi khi trong dòng đời mải miết này, rất nhiều người trong chúng ta đã và đang bị những mối quan hệ bên ngoài cuốn lấy, mặc nhiên cho rằng mối quan hệ tình thân là điều hiển nhiên nên ít quan tâm.

Mãi cho đến khi đấng sinh thành không còn thì mới nhận ra và dành cho họ những điều mà họ đáng lý ra phải được nhận từ lâu. Bởi thế, sinh thời khi được phật tử hỏi là làm thế nào để báo hiếu khi cha mẹ đã qua đời, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã khuyên những ai còn cha, còn mẹ thì hãy tìm cách báo hiếu ngay khi họ còn sống.

Khi cha mẹ còn trên thế gian, làm được gì để cha mẹ mỉm cười hạnh phúc thì ta nên làm ngay. Đừng đợi đến khi cha mẹ mất rồi mới tìm cách báo hiếu.

Vì thế cứ dịp rằm tháng 7 âm lịch, tại các ngôi chùa đều tổ chức Pháp hội “Vu Lan báo hiếu” với những nghi lễ trang trọng, thiêng liêng, thu hút hàng ngàn người dân đến tham gia với các nội dung như giảng kinh về đạo hiếu, lễ bông hồng cài áo, thả đèn hoa đăng, lễ cầu siêu… Những bông hồng được cài lên ngực áo, nhiều đèn hoa đăng được thắp sáng thể hiện tình yêu thương, lòng biết ơn, sự kính trọng đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Nghi thức là vậy, nhưng có lẽ chẳng có nghi thức nào đẹp bằng lòng biết ơn, việc làm thiết thực trong chăm sóc ông bà, cha mẹ hằng ngày, luôn kính trên nhường dưới, sự sẻ chia, giúp đỡ giữa các thành viên trong gia đình… Chỉ khi đó chữ hiếu mới được thể hiện trọn vẹn nhất.

Đạo hiếu như một chất keo gắn chặt tình mẫu tử, gia đình, dòng họ và cao hơn nữa là cộng đồng, quê hương, đất nước và thấm sâu vào cuộc sống của người Việt Nam. Ngày hôm nay, hãy hạnh phúc và biết ơn vì cha mẹ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và bên cạnh chúng ta. Bởi “con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Còn cha, còn mẹ là con còn tất cả.

THUỲ LINH

  • Hình bìa: Nghi thức bông hồng cài áo

Nguồn: Báo Bình Thuận

Recommended For You

Để lại một bình luận