Ngân hàng Nhật Bản ngày 3/7 bắt đầu phát hành tiền giấy mới, được thiết kế lại với những nhân vật và bối cảnh lịch sử mới cũng như áp dụng các biện pháp chống tiền giả mới nhất.
Chân dung các nhân vật trên tờ tiền giấy mới của Nhật Bản
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004, Nhật Bản cập nhật thiết kế tiền giấy. Những tờ tiền này sử dụng các mẫu in để tạo ra ảnh 3 chiều từ các bức chân dung nhìn về nhiều hướng khác nhau, tùy thuộc vào góc nhìn. Đây là công nghệ đầu tiên trên thế giới dành cho tiền giấy theo mô tả của Cục In ấn quốc gia Nhật Bản, theo Reuters.
Nhật Bản thay đổi tiền giấy lần này là do những tiến bộ trong công nghệ in ấn và phong trào hướng tới thiết kế phổ quát nhằm mục đích làm cho tiền giấy dễ sử dụng hơn đối với người khiếm thị và người nước ngoài.
Các con số biểu thị mệnh giá của tờ tiền đã được phóng to và các tờ tiền dễ nhận biết hơn khi chạm vào, song kích thước tổng thể của chúng không thay đổi, theo Nikkei Asia.
Chân dung trên tờ tiền 10.000 yên (1,5 triệu đồng) được thay đổi để có hình ông Eiichi Shibusawa (1840-1931) – được biết đến là “cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản”. Mặt sau của tờ tiền có hình ảnh ga Tokyo.
Tờ tiền 5.000 yên mới có hình bà Umeko Tsuda (1864-1929) – người sáng lập một trong những trường đại học dành cho phụ nữ đầu tiên ở Nhật Bản. Mặt sau có hình ảnh hoa tử đằng.
Tờ 1.000 yên có hình ông Shibasaburo Kitasato (1853-1931), một người tiên phong trong ngành y Nhật Bản. Mặt sau của tờ 1.000 yên có in bức tranh khắc gỗ nổi tiếng “Dưới đáy sóng lớn ngoài khơi Kanagawa” trong bộ tranh “Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ” của họa sĩ Katsushika Hokusai.
Tiền giấy mới của Nhật Bản tích hợp nhiều tính năng bảo mật mới
Tiền giấy mới của Nhật Bản được tích hợp nhiều tính năng bảo mật mới, trong đó có các tính năng lần đầu tiên trên thế giới.
Các mệnh giá trên tiền giấy mới được in bằng chữ số Ả Rập, với kích thước lớn hơn, thay thế các Hán tự tiếng Nhật. Điều này giúp mọi người, bất kể tuổi tác hay quốc tịch, dễ dàng nhận biết mệnh giá. Ngoài ra, các tờ tiền còn có các dấu xúc giác để người khiếm thị có thể xác định mệnh giá.
Theo kế hoạch, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ cung cấp tiền giấy mới cho các tổ chức tài chính trước, và sau đó các ngân hàng sẽ bắt đầu sử dụng sau khi chuẩn bị sẵn sàng. Điều này có nghĩa là thời điểm tiền giấy mới được cung cấp đến tay người dùng qua máy ATM và cửa sổ thu ngân sẽ khác nhau giữa các tổ chức tài chính.
Việc phát hành tiền mới cũng đi kèm với nhiều thách thức. Viện Nghiên cứu Nomura ước tính rằng việc điều chỉnh cơ sở hạ tầng, như máy ATM, máy bán vé và máy bán hàng tự động, để phù hợp với tiền giấy mới sẽ tiêu tốn khoảng 1.630 tỷ yen (10 tỷ USD).
Theo khảo sát của Bộ Tài chính Nhật Bản, hơn 90% máy ATM tại các tổ chức tài chính và 80-90% số máy tính tiền tại siêu thị và các nhà bán lẻ khác dự kiến sẽ tương thích với các tờ tiền mới ngay từ đầu. Tuy nhiên, máy bán đồ uống tự động và máy bán vé tại nhà hàng sẽ mất nhiều thời gian hơn để cập nhật.
Nhật Bản, dù được biết đến là quốc gia ưa chuộng sử dụng tiền mặt, vẫn đang thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến năm 2021, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Nhật Bản là 32,5%, thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc và Trung Quốc. Đến năm 2023, tỷ lệ này tại Nhật Bản đã tăng lên 39,3%, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu khoảng 40% của chính phủ.
Phát biểu tại lễ phát hành tiền mới, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết: “Trong khi quá trình hướng tới xã hội không tiền mặt đang tiến triển, tiền mặt vẫn là một phương thức thanh toán đáng tin cậy mà bất kỳ ai cũng có thể tự tin sử dụng ở bất cứ đâu. Tiền mặt dự kiến sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong tương lai”.
Việc phát hành tiền giấy mới không chỉ là một bước tiến lớn trong công nghệ chống tiền giả, mà còn là nỗ lực của Nhật Bản trong việc đảm bảo tính an toàn và dễ sử dụng của tiền mặt trong thời đại số hóa. Đây cũng là thông tin quan trọng cho du khách, đặc biệt là khách Việt Nam, khi đến Nhật Bản trong thời gian tới.
Nguyễn Đức (tổng hợp)
* Hình bìa: Nhật Bản áp dụng công nghệ sản xuất tiền thiết kế 3D chống giả mạo đầu tiên thế giới. Ảnh: News
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ