Theo ông Nguyễn Thanh Sử, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), tổng công suất thiết kế các nhà máy của SAWACO là 2,4 triệu m3/ngày đêm và công suất phát nước thực tế mỗi năm là 1,9 – 2 triệu m3/ngày đêm; đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 10 triệu dân.
Sáng 7/4, HĐND TPHCM phối hợp với Sở TT&TT và Đài Truyền hình Thành phố tổ chức chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời với chủ đề “Quản lý hoạt động cấp, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt”.
Tại chương trình, đối với vấn đề đảm bảo cung cấp nước an toàn, cấp đủ nước sạch cho người dân thành phố, ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố cho biết trên địa bàn Thành phố hiện có 3 đồ án quy hoạch gồm: Quy hoạch chung TPHCM, quy hoạch tổng thể thoát nước Thành phố, quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải các khu dân cư và khu công nghiệp lưu vực sông Đồng Nai.
Theo đó, các đồ án quy hoạch đều định hướng các khối lượng công việc sẽ triển khai thực hiện theo từng giai đoạn 2020-2025, 2025-2030. Hiện nay, tất cả các dự án đều tính toán phù hợp theo các định hướng của các quy hoạch đã được phê duyệt và các tiêu chuẩn hiện hành.
Thời gian qua, TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành tập trung hoàn tất các công việc điều chỉnh các đồ án quy hoạch trên. Ngoài 3 đồ án quy hoạch này, hiện Thành phố cũng căn cứ vào các đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 cũng như quy hoạch chi tiết 1/500 để khi lập dự án, thiết kế việc đấu nối hệ thống thoát nước nói riêng và hạ tầng kỹ thuật nói chung thì sẽ tính toán, thiết kế phù hợp nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình đầu tư.
Thường xuyên giám sát chất lượng nước thô
Liên quan đến công tác cấp nước, đáp ứng nhu cầu người dân, ông Nguyễn Thanh Sử, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết, hiện nguồn nước thô của Thành phố được khai thác trực tiếp từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Thời gian qua, nguồn nước thô này bị ô nhiễm, nhiễm mặn. Trước tình hình này, SAWACO đã chủ động đề xuất với Thành phố các giải pháp ứng phó.
Đơn vị thường xuyên giám sát chất lượng nước thô ở những chỉ tiêu gây ô nhiễm nguồn nước (độ mặn, chất hữu cơ, amoniac) để có cảnh báo kịp thời. Tại các nhà máy cũng có bộ phận giám sát liên tục trong phòng thí nghiệm; giám sát khâu xử lý nước để theo dõi và xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với hai đơn vị đang vận hành và quản lý là hồ thủy điện Trị An và hồ thủy lợi Dầu Tiếng để khi xảy ra sự cố thì có quy trình xử lý, ứng phó kịp thời. Khi có nhiễm mặn, các hồ sẽ xả nước chứa để đẩy nguồn nước nhiễm mặn.
Ngoài ra, SAWACO cũng xây dựng các kịch bản để ứng phó kịp thời, đồng thời tổ chức diễn tập để xử lý các sự cố.
Về lâu dài, SAWACO đã trình UBND TPHCM, Sở Xây dựng dự kiến lấy các điểm chứa nước ở đầu nguồn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai cũng như xây dựng các hồ trữ nước ở các khu vực này.
Cũng theo ông Sử, tổng công suất thiết kế các nhà máy của SAWACO là 2,4 triệu m3/ngày đêm và công suất phát nước thực tế mỗi năm là 1,9 – 2 triệu m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 10 triệu dân.
Tuy nhiên, trong tương lai, với tốc độ phát triển và dự kiến tốc độ phát triển dân số cơ học 14 triệu người, SAWACO đã chủ động xây dựng đề án để trình UBND Thành phố về phát triển hệ thống thoát nước giai đoạn 2020 – 2050.
Trong đó, từ nay đến năm 2025, sẽ nâng công suất các nhà máy lên khoảng 2,9 triệu m3/ngày đêm; đến năm 2030 nâng lên 3,6 triệu m3/ngày đêm và đến năm 2050 sẽ đạt 6,1 triệu m3/ ngày đêm.
Cùng với đó, hiện nay SAWACO chủ động đầu tư, nâng cấp, xây mới hai nhà máy để nâng công suất lên 550m3/ ngày đêm nhằm đảm bảo cung cấp nước và dự báo trong tương lai. Đồng thời, tập trung nâng cấp và cải tạo công nghệ xử lý nước ở các nhà máy.
Trao đổi về sự cố ngưng cấp nước đột ngột xảy ra tại chung cư E Home S (TP. Thủ Đức) mới đây, ông Sử cho biết, nguyên nhân là do ngày 2/4 vừa qua, Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức thực hiện việc đấu nối giao cắt tuyến ống D400 thuộc phạm vi dự án nút giao An Phú.
Dự kiến việc đấu nối này được thực hiện từ 22h ngày 2/4 đến 4h sáng 3/4, tuy nhiên thực tế thi công diễn ra chậm hơn so với thời gian dự báo, đến 13h ngày 3/4 các đơn vị mới thi công xong. Sau đó Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức đã mở nước để bổ sung cho các khu vực, trong đó có địa bàn chung cư Ehome S Thủ Đức.
Cũng theo ông Sử, do đây là địa bàn nước yếu nên khi mở nước lại cũng gặp tình trạng mất thêm thời gian. Khi phát hiện sự cố, Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức cũng đã triển khai giải pháp cấp nước bằng xe bồn cho bà con. Tuy nhiên, do đây là khu vực đông dân cư nên giải pháp này cũng chưa kịp thời đáp ứng, cho đến chiều 4/4 mới cấp nước ổn định trở lại.
Lãnh đạo SAWACO cho biết, qua sự cố này, Tổng Công ty ghi nhận ý kiến của bà con và triển khai ngay một số giải pháp nhằm không để xảy ra tình trạng trên.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Anh Thơ
* Hình bìa: Các đại biểu tham dự Chương trình – Ảnh: SGGP