Để sản xuất cây ăn trái phát triển bền vững

    Ông Võ Hữu Thoại, Viện cây ăn quả miền Nam nhìn nhận, biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu và các hoạt động thủy điện ở lưu vực thượng nguồn sông Mekong dẫn đến dòng chảy ở hạ lưu bị hạn chế nên gây ra khô hạn, xâm nhập mặn… gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp nói chung và bà con trồng cây ăn trái nói riêng tại đồng bằng sông Cửu Long.

    Ông Võ Hữu Thoại phân tích, đối với BĐKH, chúng ta không thể chống được mà phải thích ứng. Trong điều kiện hiện nay, bà con cần phải chú ý chuẩn bị đê bao cho tốt để ngăn xâm nhập mặn và ngập úng xảy ra đặc biệt như năm 2018 vừa rồi. Chú ý tỉa cành tạo tán cho cây để giúp giảm thoát hơi nước trong mùa khô hạn và xâm nhập mặn hoặc không nên xử lý ra hoa trong thời điểm như thế bởi không đảm bảo được nguồn nước tưới.

    Trong lúc ngập úng cũng không nên xử lý vì nếu chúng ta không quản lý đê bao mà nước xâm nhập khi cây đang mang trái thì hệ thống rễ suy yếu, nếu ngập nặng làm suy kiệt, dễ dẫn đến chết cây. Bà con cần tăng cường bón phân hữu cơ, nếu xâm nhập mặn xảy ra thì sử dụng phân bón lá có hàm lượng calci, magnesium để tăng khả năng đề kháng cho cây trồng.

    Phải theo dõi tình hình khí tượng thủy văn để có biện pháp kịp thời. Ví dụ như xâm nhập mặn xảy ra, chúng ta phải làm gì, ngập úng phải làm gì để kịp thời ứng phó nhằm quản lý tốt vườn cây. Dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây ăn trái trong những tháng nước mặn, hoặc dự trữ trong những túi nylon dày và đặt dưới gốc cây để tưới cho cây trồng trong những tháng nước mặn. Hạn chế tối đa việc tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng khi độ mặn ≥ 2‰.

    Ứng phó với BĐKH là việc làm lâu dài, đòi hỏi phải có những giải pháp kỹ thuật mang tính đồng bộ từ cây giống, làm đất cho đến chăm sóc. Tùy theo giống cây ăn trái mà khả năng chống chịu mặn của cây khác nhau. Để tránh thiệt hại cho cây ăn trái khi tưới nguồn nước bị nhiễm mặn, bà con nông dân cần biết khả năng chịu mặn của chủng loại cây trồng trên vườn của mình để làm cơ sở nên hoặc không nên lấy nguồn nước tưới cho cây trồng. Bà con cũng cần chăm sóc vườn cho tốt, chăm sóc bảo vệ đất trở nên màu mỡ giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, sản phẩm sinh học giúp cây tăng đề kháng.

    Ông Võ Hữu Thoại.

    Bên cạnh việc cải tạo đất, quản lý và cải thiện chất lượng nguồn nước tưới, cũng như kỹ thuật tưới, tiêu thoát nước là biện pháp canh tác rất quan trọng thì xu hướng hiện nay là khai thác hiệu quả vai trò của gốc ghép đối với tính chống chịu với những điều kiện bất lợi của môi trường như: hạn, mặn, ngập úng… Công tác thanh lọc mặn các nguồn gen đang có trong tự nhiên hoặc lai tạo để tìm ra được những loại gốc ghép có khả năng chịu hạn, mặn, ngập úng được xem là những giải pháp khả thi nhất.

    Thực tế thời gian qua đối với lĩnh vực cây giống, bà con chưa quan tâm đến gốc ghép trong khi ở nước ngoài, nghiên cứu rất kỹ. Bà con chủ yếu mua cây được ghép sẵn, không biết gốc ghép gì nên khi điều kiện xấu tác động thì rất khó đề phòng.

    Do đó, bà con quan tâm sử dụng gốc ghép chống chịu được với điều kiện bất lợi của môi trường, ví dụ gốc ghép chống chịu với mặn. Hiện Viện cây ăn quả miền Nam cũng đã nghiên cứu thành công một số gốc ghép từ cây bòng, sảnh, bưởi chua, cam đắng, bưởi đường hồng, quýt ta có thể chống chịu mặn cao. Đây là những giống cây ăn trái có múi mà có thể làm gốc ghép cho bưởi da xanh và bưởi năm roi rất tốt, chống chịu được mặn ở 6 – 8‰ và cho ra trái không khác biệt so với cây trồng chiết cành.

    Để sản xuất cây ăn trái bền vững, trước hết phải quan tâm đầu tư các hệ thống đê bao, xây dựng hệ thống tưới tiêu (thủy lợi nội đồng) hợp lý nhằm ngăn chặn xâm nhập mặn, phòng chống ngập lụt, đối phó với hạn hán kéo dài.

    Tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết, khí hậu, thủy hải văn và nông nghiệp.

    Xác định các giống cây trồng chịu ảnh hưởng của BĐKH, đánh giá mức độ ảnh hưởng và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng.

    Đầu tư nguồn kinh phí cho công tác chọn lọc, lai tạo những dòng/giống cây ăn trái (xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn…) chống chịu với những điều kiện bất lợi của môi trường như hạn, phèn, mặn, ngập. Xây dựng các mô hình trồng giống cây trồng thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường nhằm ứng phó với tác động của BĐKH đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long.

    Nghiên cứu tác động của BĐKH đến môi trường và sự phát sinh, phát triển sâu bệnh hại trên cây ăn trái và biện pháp quản lý tổng hợp.

    GIA PHÚ

    Recommended For You