Ngày cuối tuần, đang ngồi nhâm nhi ly cà phê ở một quán cóc ven đường, bỗng điện thoại reo. Giọng đầu dây bên kia háo hức: “Đi bắt còng gió không ông bạn?”. Nghe bắt còng gió, có vẻ lạ lạ, tôi háo hức: “Ừ! Đi chứ”. Nghe lời ông bạn, tôi gấp gáp chạy xe máy một mạch về nhà, quơ lấy cây cuốc nhỏ, đèn pin trực chỉ về hướng biển Mỹ Khê, TP.Quảng Ngãi trong màn đêm tĩch mịch.
Bên tiếng sóng biển rì rào như mời mọc du khách thỏa mình về phía đại dương, anh bạn tôi hào hứng: “Bầu trời thoáng đãng, nước thủy triều rút, còng ra khỏi miệng hang để tìm thức ăn, bạn tình, nên ắt đêm nay sẽ săn được nhiều. Khỏi lo trở về tay không”.
Để bắt được những con còng, người đi săn cũng “vã mồ hôi hột”. Những chú còng gió thấy bóng người thấp thoáng chạy nhanh như gió, tìm đường đến hang để trú ẩn, tung tăng “trêu ngươi” người săn.
Người đi săn cũng chia nhỏ đội hình, “bọc lót” cho nhau, soi đèn pin, tức tốc chạy trước, chặn còng ngay ở cửa hang, nếu chậm chân, còng chạy tuột vào hang sâu, người săn phải tốn thêm sức, dùng cuốc lưỡi mỏng đào hang để bắt còng.
Săn còng đêm, thường ít ai đi một mình, mà rủ thêm vài người bạn, thay nhau đào bới, “cuốn” đôi chân theo những chú còng chạy loạn xạ trong tiếng cười nói rôm rả, hòa vào sóng biển rì rào, xua tan đi cái cảm giác mệt nhoài.
Trung bình mỗi đêm, chừng 3 người bắt được từ 3-4 kg còng, về làm thức ăn trong gia đình, đãi khách.
Còng biển sau khi đã nằm lủng lẳng trong bao, được mang về nhà, tách mai, rửa bằng nước cho sạch trước khi chế biến.
Tùy theo sở thích mà gia chủ có thể “biến tấu” thành nhiều món khác nhau, như còng gió rang muối, rang me, xào sả ớt, nấu cháo… Với những cư dân vùng biển, vốn thích đơn giản, không cầu kỳ, món khoái khẩu được nhiều người chế biến là còng gió xào sả ớt. Gia vị tẩm ướp thêm cũng có sẵn trong bếp, không tốn kém nhiều.
Sau khi làm sạch, còng được tẩm ướp với một ít củ sả tươi băm nguyễn, tiêu, ớt, tỏi, kèm theo một ít nước mắm, đợi gia vị ngấm vào, sau chừng 5 phút, còng được bỏ vào chảo chiên với dầu ăn, nhỏ lửa, rim rim trong vài phút.
Ngồi đợi. Nghe mùi thơm cay nồng của gia vị hòa quyện với vị ngọt mặn thơm lừng của còng. Rồi đến khi được vớt ra đĩa, những đôi tay thoăn thoắt cầm chiếc càng đặc thịt, đưa vào miệng nhấm nháp, vị cay cay, béo ngọt tan ngay ở đầu lưỡi, khiến những thực khách khó tính nhất cũng tâm đắc khen ngon.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
- Hình bìa: Còng gió.
Nguồn: Báo Quảng Ngãi điện tử