LTS: Địa đạo Tam giác sắt nằm trên vùng đất 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An thuộc huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 18-3-1996. Hệ thống địa đạo ở đây hình thành từ năm 1948 để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã Tây Nam đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một “làng ngầm” kỳ diệu.
Địa đạo Tam giác sắt giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân dân 3 xã Tây Nam đã chiến đấu ngoan cường, lập được nhiều chiến công vang dội…
Hòa cùng không khí của những ngày tháng 4 lịch sử và kỷ niệm 59 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5- 1954 – 7.5.2013), báo Bình Dương giới thiệu đến độc giả loạt bài viết Địa đạo Tam giác sắt: Một trang sử “chân trần, chí thép”.
Bài 1: Hào khí đất miền Đông
“…Ai đã qua vùng miền Đông đất đỏ…, Ruộng lúa mênh mông từng vùi chôn giặc Mỹ…, Trong từng con người cũng thấy những niềm tin…” Lời ca trầm hùng lại vang lên trong những ngày tháng lịch sử này. Miền Đông – vùng đất trù phú phía Nam đất nước, trong lịch sử chiến tranh vệ quốc đã sinh ra những thế hệ kiên cường, bất khuất.
Về miền Đông, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai… mọi người thường nghe những cái tên gắn liền với vùng đất oanh liệt này: miền Đông anh dũng, anh du kích miền Đông, bà má miền Đông… Địa đạo Tam giác sắt, Đất thép Củ Chi, Chiến khu Đ… là những địa danh làm rạng rỡ đất miền Đông.
Binh pháp cổ phương Đông đúc kết, muốn gây chiến tranh phải dựa vào các yếu tố: định, số, lượng, chế. Tức là, định diện tích đất đai để biết số nhân khẩu và lượng về tình hình kinh tế để biết tiềm năng…, sau đó so sánh yếu, mạnh nhằm phát động chiến tranh. Việt Nam so với thế giới là một quốc gia nhỏ, nghèo về kinh tế, bởi thế trong lịch sử hơn 4.000 năm dân tộc ta luôn chịu đựng, chống chọi với kẻ thù xâm lược, vì chúng cho rằng ta yếu hơn về mọi mặt. Thời cổ đại, trung đại có kẻ thù phong kiến phương Bắc, hiện đại có thực dân và đế quốc.
Giữa thế kỷ XX, người Mỹ cho rằng Việt Nam là nước nhỏ, người ít, lạc hậu nên rắp tâm làm cuộc viễn chinh hô hào “khai hóa”, đưa “nền dân chủ” vượt đại dương đến vùng đất kém phát triển. Phía sau những lời rêu rao đánh lừa dư luận của giới diều hâu Mỹ là hàng ngàn tấn bom đạn, vũ khí hủy diệt ồ ạt đổ xuống dải đất hình chữ S, hòng dập tắt nhanh chóng mọi kháng cự của nhân dân ta. Lịch sử đã ghi nhận, trong chiến tranh Việt Nam lần đầu tiên đế quốc Mỹ đã ném bom B.52 xuống nước ta, gây nên một tội ác man rợ. Hiện nay ở xã Long Nguyên, huyện Bến Cát vẫn còn bia căm thù khắc sâu sự kiện này.
Với lợi thế về vũ khí, người Mỹ cho rằng sẽ sớm kết thúc cuộc chiến thắng lợi ở Việt Nam. Nhưng họ đã lầm! Việt Nam tuy thua nước Mỹ về vũ khí, tiềm lực kinh tế… nhưng có một yếu tố hơn hẳn đó là lịch sử hào hùng của dân tộc và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm của nhân dân. Trước kẻ thù hung hãn, thừa mứa về bom đạn, nhân dân ta đã rũ bùn đứng lên bằng đôi chân trần nhưng ý chí như sắt thép.
Thật thú vị khi những cái tên “chân trần”, “chí thép” không phải do chúng ta tự hào đặt tên mà chính kẻ thù khâm phục gọi như vậy.
Trong cuốn sách viết về cuộc chiến của nhân dân ta ở địa đạo Củ Chi, nguyên trung tá thủy quân lục chiến Mỹ James G.Zumwalt – con trai đô đốc chỉ huy trưởng lực lượng hải quân Mỹ tại Việt Nam đã viết: “Tinh thần dân tộc và lòng tự hào luôn bùng cháy, thổi lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam quyết tâm đánh đuổi ngoại bang.
Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại nhất – một chí thép giúp họ thực hiện được điều tưởng như không thể.
Để cuối cùng, chí thép đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới”.
Đô đốc ZumWalt là người đã ra lệnh rải chất độc da cam tại Việt Nam và chính con trai đầu của ông ta đã chết vì chất độc này, trung tá James G.Zumwalt là con trai thứ hai. Viên trung tá này là một trong nhiều người Mỹ đã sớm thừa nhận sai lầm về chiến tranh Việt Nam. Có lẽ sai lầm lớn nhất của họ là đã không nhận ra rằng họ đang đối mặt với một thế hệ vĩ đại nhất của dân tộc Việt – một thế hệ sẵn sàng đánh đuổi hết ngoại xâm để cho Tổ quốc trường tồn.
Cùng với cả nước đứng lên đánh giặc, đất miền Đông đã lập nên những chiến công hiển hách. Trong đó địa đạo Tam giác sắt – 3 xã Tây Nam Bến Cát gồm xã An Tây, An Điền, Phú An là một minh chứng rõ nét về lòng dũng cảm và sự sáng tạo của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Tam giác sắt trong những năm 60 của thế kỷ trước là một vùng đất đầy máu lửa. Địch mở nhiều trận càn, huy động hàng ngàn quân được trang bị vũ khí tối tân nhưng chúng phải bất lực trước ý chí một tấc không đi một li không dời của du kích chiến đấu.
Mặc cho trên bom dưới đạn, ngày đêm cày xới thì phía trong lòng đất cuộc sống vẫn diễn ra, khiến kẻ thù điên cuồng, khiếp đảm. Nguyễn Văn Đực, Nguyễn Văn Chê, bà má Hai Thơ… là những tấm gương anh hùng sáng ngời trong lịch sử kháng chiến ở vùng đất anh kiệt này.
Nói về vai trò của Tam giác sắt, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết: “Địa đạo Tây Nam Bến Cát là trung tâm của địa đạo chiến của miền Đông Nam bộ.
Chiến tranh ác liệt, nếu không có địa đạo thì các cấp lãnh đạo thời đó sẽ không tồn tại được”.
Hay đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Nhờ địa đạo mà chúng ta đã đẩy mạnh từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy; giữ vững được cuộc chiến lâu dài và cuối cùng giành thắng lợi”.
Chiến tranh càng ác liệt, địch càng có nhiều mưu mô thủ đoạn thì nhân dân miền Đông càng anh dũng đứng lên với những trận đánh làm nức lòng đồng bào cả nước đó là, chiến thắng Bàu Bàng, Phước Thành, những trận chống càn nổi tiếng về sự hủy diệt như trận càn Xê-đa-phôn.
Vùng Tam giác sắt có thời kỳ đã trở thành vùng trắng, địch tự do oanh tạc. Máu xương của bao thế hệ đổ xuống càng làm cho mảnh đất này thêm chói lọi trong trang sử truyền thống.
Về Bình Dương hôm nay đã thấy bao đổi mới. Vùng Tam giác sắt đầy bom đạn năm xưa nay đang ngày một phát triển. Khu công nghiệp mọc lên, nhiều nhà máy sản xuất ra đời đồng nghĩa với đời sống nhân dân càng được nâng cao rõ rệt. Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, nỗi đau dần nguôi ngoai, nhưng hễ nhắc tới Tam giác sắt, mọi người dân ở đây rất đỗi tự hào…
Nguồn: Báo Bình Dương | KIẾN GIANG
* Hình bìa: ượng đài Anh du kích miền Đông tại Di tích lịch sử địa đạo Tam giác sắt