Điểm mới về nhu cầu khuyến nghị vitamin và khoáng chất

    Nhu cầu khuyến nghị là gì? Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị trong tiếng Anh là Recommended dietary allowance (được viết tắt là RDA) là nhu cầu khuyến nghị lượng ăn vào của một chất dinh dưỡng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu hàng ngày về chất dinh dưỡng đó cho hầu hết (97,5%) các cá thể trong quần thể khỏe mạnh.

    Nhu cầu khuyến nghị về vitamin và khoáng chất cho người Việt Nam do vậy cũng được tính theo tuổi, giới, hoặc tình trạng sinh lý, hoặc trong một hệ số biến thiên để đảm bảo nhu cầu cho hầu hết người dân bình thường (97,5%) theo tuổi, giới và tình trạng sinh lý.

    “Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam” là một văn bản của Nhà nước về nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng theo lứa tuổi, giới tính, loại hình lao động và tình trạng sinh lý (phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú).

    Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2015 cung cấp thông tin đầy đủ và cập nhật về các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho nhu cầu con người, đồng thời đưa ra khuyến nghị về nhu cầu hàng ngày các loại vitamin và khoáng chất cho các nhóm đối tượng theo giới tính, độ tuổi khác nhau.

    Các vitamin gồm có vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K và các vitamin tan trong nước như vitamin C, các vitamin nhóm B và cholin.

    Các khoáng chất gồm có chất khoáng đa lượng như calci, phosphor, magnesium và chất khoáng vi lượng như sắt, kẽm, iod, selenium, fluo, đồng, crom, mangan.

    Nhu cầu các loại vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn hàng ngày được tham khảo từ các nguồn tài liệu đáng tin cậy như Tổ chức y tế thế giới, Viện nghiên cứu y khoa Hoa Kỳ, Tổ chức lương thực và nông nghiệp thế giới, Bộ y tế, lao động và an sinh Nhật Bản. Các nhà khoa học của các tổ chức này đã triển khai nghiên cứu và rà soát cẩn thận các kết quả của hàng ngàn nghiên cứu về vitamin và khoáng chất trong phòng thí nghiệm và trên lâm sàng để tính toán nhu cầu khẩu phần dinh dưỡng khuyến nghị cho người dân.

    Các cán bộ nghiên cứu của Viện dinh dưỡng đã dựa trên các khuyến nghị đáng tin cậy này, các nghiên cứu triển khai trong nước và các số liệu nhân trắc, khẩu phần của người Việt Nam để đưa ra các khuyến nghị phù hợp với người dân Việt Nam.

    Đặc biệt, các chỉ số về giới hạn tiêu thụ tối đa (là lượng ăn vào tối đa của chất dinh dưỡng đó mà không có nguy cơ gây ra các tác hại đối với cơ thể của hầu hết (97,5%) cá thể trong quần thể khỏe mạnh theo nhóm tuổi và giới) một số loại vitamin và khoáng chất như niacin, vitamin B6, folat, vitamin A, vitamin E, selenium, đồng, iod cũng đã được đề cập đầy đủ, chi tiết.

    Nhóm tuổi của trẻ em và người trưởng thành cũng được chia nhỏ hơn so với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị trước đây, do vậy, nhu cầu các chất dinh dưỡng khuyến nghị phù hợp với tuổi hơn.

    Bên cạnh đó, các thông tin về chuyển hóa, chức năng, ảnh hưởng của thiếu và thừa các loại vitamin và khoáng chất này cũng như các nguồn thực phẩm có chứa nhiều vitamin, khoáng chất từng loại trong tự nhiên cũng được giới thiệu đầy đủ.

    Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho từng loại vitamin và khoáng chất đã được cập nhật từ các số liệu mới nhất. Các vitamin nhóm B như vitamin B3 (niacin), vitamin B5 (acid pantothenic), vitamin B7 (biotin) và cholin; các khoáng chất như mangan và fluo là những loại vitamin và khoáng chất lần đầu tiên được đưa vào nội dung nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.

    Nhu cầu vitamin A ở trẻ em hầu như không thay đổi so với nhu cầu khuyến nghị trước đây. Nhu cầu vitamin A ở trẻ vị thành niên và người trưởng thành tăng từ 20 – 50%, tương tự nhu cầu khuyến nghị vitamin A cho người Nhật Bản năm 2015. Nhu cầu vitamin C có xu hướng cao hơn (khoảng 30%) so với nhu cầu khuyến nghị trước đây do vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa, tăng hấp thu các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể như sắt, kẽm, calci…

    Nhu cầu khuyến nghị vi chất sắt được tính toán dựa trên hai cấp độ giá trị sinh học của sắt trong khẩu phần, tình trạng sinh lý (tuổi, giới, có kinh nguyệt hay không, có thai, cho con bú…) và hiệu chỉnh theo cân nặng của người Việt Nam. Hai cấp độ giá trị sinh học của sắt trong khẩu phần bao gồm:

    – Loại khẩu phần có giá trị sinh học sắt trung bình (khoảng 10% sắt được hấp thu): khi khẩu phần có lượng thịt hoặc cá từ 30 – 90 g/ngày hoặc lượng vitamin C từ 25 – 75 mg/ngày.

    – Loại khẩu phần có giá trị sinh học sắt cao (khoảng 15% sắt được hấp thu): khi khẩu phần có lượng thịt hoặc cá trên 90 g/ ngày hoặc lượng vitamin C trên 75 mg/ngày.

    Nhu cầu khuyến nghị sắt ở giá trị sinh học của khẩu phần 15% giảm so với nhu cầu khuyến nghị năm 2007 và phù hợp với nhu cầu khuyến nghị sắt của Tổ chức y tế thế giới. Nhu cầu khuyến nghị kẽm không thay đổi so với nhu cầu khuyến nghị trước đây. Nhu cầu iod ở phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú tăng 10 – 20% so với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị trước đây để dự phòng thiếu iod do tăng thanh thải iod qua thận ở phụ nữ có thai, dự phòng thiếu iod trong thời kỳ bào thai gây ảnh hưởng đến quá trình myelin hóa tế bào thần kinh trong thời kỳ mang thai và giai đoạn sớm sau sinh của trẻ.

    Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người dân Việt Nam đã được Hội đồng khoa học của Viện dinh dưỡng, Hội đồng khoa học của Bộ y tế phê duyệt và sẽ phát hành trong thời gian sớm nhất. Cuốn sách cung cấp thông tin về nhu cầu các chất dinh dưỡng để đáp ứng được nhu cầu thông tin của nhiều đối tượng khác nhau từ các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, phụ nữ có thai, mọi người dân ở các độ tuổi khác nhau cần biết để tự chăm sóc dinh dưỡng cho bản thân, gia đình, cho tới các nhân viên y tế, các sinh viên và học sinh chuyên ngành có thể sử dụng để làm tài liệu tham khảo.

    ThS.BS. TRẦN KHÁNH VÂN – TS.BS. TRẦN THÚY NGA

    (Viện dinh dưỡng quốc gia)

    Recommended For You