Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) sẽ nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong quản lý KHCN, tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Ngày 28/12, Bộ KHCN tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chung tay ủng hộ và chia sẻ, hợp tác của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, ngành KHCN đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023 với nhiều kết quả tích cực.
“Tuy nhiên, cũng như cuộc sống, KHCN vận động không ngừng, đòi hỏi các cơ chế, chính sách quản lý KHCN luôn cần được rà soát để điều chỉnh kịp thời mới theo kịp và đáp ứng được, hỗ trợ được hoạt động KHCN một cách hiệu quả”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Do đó, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ KHCN cũng nhận thức được rằng, vẫn còn đó các vướng mắc, bất cập trong quản lý KHCN mà vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, chúng ta chưa tháo gỡ được và cần sớm có giải pháp trong thời gian tới.
Bối cảnh mới với các diễn biến phức tạp, khó đoán định của thế giới hiện đại và sự thay đổi chưa từng có tiền lệ trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chúng ta phải luôn chủ động, sáng tạo và linh hoạt thích ứng để ứng phó kịp thời.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, để KHCN và ĐMST thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế-xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý KHCN; nâng cao tiềm lực và trình độ KHCN; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN và ĐMST.
Để làm được điều đó, bên cạnh sự ủng hộ, chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, cần sự quyết tâm và nỗ lực lớn hơn nữa của lực lượng KHCN cả nước. Với vai trò đầu mối quản lý hoạt động KHCN và ĐMST, Bộ KHCN sẽ tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, từ đó, động viên đội ngũ cán bộ KHCN kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê khoa học, vượt lên các khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả KHCN thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại.
Hoàn thiện hành lang pháp lý về KHCN và ĐMST
Theo báo cáo của Bộ KHCN, năm 2023, trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật, Bộ KHCN đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36 ngày 30/01/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới; trình Ban Bí thư dự thảo Chỉ thị về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 45 ngày 23/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Năm 2023, Bộ tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trình Quốc hội xem xét, có ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; rà soát, lập hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung 3 luật chuyên ngành, là: Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật Năng lượng nguyên tử; đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 32 đề án/văn bản. Bộ trưởng các bộ đã ban hành 49 thông tư; lãnh đạo các tỉnh/thành phố đã ban hành 384 văn bản về KHCN và ĐMST.
Bộ KHCN đã phối hợp với UBND TPHCM tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành chính sách đặc thù về KHCN và ĐMST cho TPHCM trong Nghị quyết số 98 năm 2023 của Quốc hội; triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của 6 vùng chiến lược.
Bộ KHCN cũng đã ban hành các Thông tư sửa đổi các quy định về quản lý nhiệm vụ KHCN theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ; đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định về tài chính, đấu thầu, tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN, về sử dụng quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp để thúc đẩy nguồn đầu tư từ xã hội cho KHCN và ĐMST.
Chỉ số đổi mới sáng tạo liên tục được cải thiện
Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý về KHCN và ĐMST, ngành KHCN đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về KHCN và ĐMST phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua.
Bộ KHCN đã xây dựng Bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Đây là công cụ đo lường năng lực và kết quả ĐMST của từng địa phương trên cả nước, góp phần cải thiện chỉ số ĐMST quốc gia.
Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST đến năm 2030 đã được cụ thể hoá bằng 44 chương trình KHCN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030, cân đối cho cả ba lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Các nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, xây dựng các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng…
Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, tập trung vào nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh nhằm đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Theo thống kê của Scimago, năm 2022 các lĩnh vực khoa học tự nhiên của Việt Nam đều tăng vị trí đáng kể trên bảng xếp hạng các khoa học trên thế giới và khu vực so với năm 2016.
Trong nông nghiệp, KHCN đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, trong đó có 6 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Trong công nghiệp, giao thông, xây dựng, đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp với tỉ lệ nội địa hóa cao, giá trị kinh tế lớn, từng bước tiếp thu, làm chủ các công nghệ cao của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, các kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ các khâu từ thiết kế đến thi công các công trình phức tạp như cầu Mỹ Thuận 2 và nhiều công trình hạ tầng quy mô lớn khác, tiết kiệm lượng lớn kinh phí cho ngân sách nhà nước.
Trong lĩnh vực khoa học y-dược, ghép tạng tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng từ việc đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ; đã thực hiện thành công ca ghép đa tạng gồm tim và thận từ người hiến đa tạng chết não; phối hợp ghép tạng xuyên Việt; nghiên cứu thành công quy trình sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị bệnh nhân nhược cơ và lupus ban đỏ hệ thống… là những thành tựu đáng ghi nhận của các nhà khoa học.
Trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, kết quả nghiên cứu góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới; tạo ra một số sản phẩm KHCN có giá trị, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới…
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Bộ KHCN đã phối hợp với các bộ, ngành giải quyết các vấn đề quan trọng cho việc tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt gần 50% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu. Đồng thời, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ KHCN về phát triển các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 Việt Nam có lợi thế như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, robot tiên tiến, in 3D, công nghệ thực tế ảo…
Thị trường KHCN tiếp tục được quan tâm xúc tiến cùng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các chợ công nghệ, sàn giao dịch, ngày hội khởi nghiệp sáng tạo, chương trình kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia, vùng, địa phương và quốc tế…
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ngày càng phát triển về quy mô và hình thức hoạt động, được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động nhất châu Á và đứng thứ 58 thế giới. TP. Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giữ được mức phát triển tốt so với các nước khu vực ASEAN (với 56 dự án, tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023).
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, đã công bố gần 14.000 TCVN và gần 800 QCVN, tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%), thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn và ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng.
Bộ KHCN đang xây dựng đề án thành lập Trung tâm chứng nhận HALAL ở Việt Nam. Triển khai áp dụng thí điểm hệ thống quản lý chất lượng và hoạt động của chính quyền địa phương (TCVN ISO 18091:2020) tại TP. Hải Phòng.
Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 65 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ; đã ban hành Thông tư 23 hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành Nghị định số 65. Tính đến nay, có 132 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, góp phần thay đổi giá trị và tác động của các ngành hàng.
Hoạt động KHCN và ĐMST tại các địa phương ngày càng được quan tâm và đẩy mạnh, thể hiện qua số kinh phí được bố trí luôn cao hơn số cân đối từ ngân sách Trung ương.
Cũng trong năm 2023, hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN và ĐMST được đẩy mạnh, đặc biệt là với các quốc gia là đối tác chiến lược của Việt Nam và các đối tác mạnh về KHCN; từng bước tham gia sâu vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực về KHCN và ĐMST, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành KHCN vẫn còn những tồn tại, hạn chế tác động đến sự phát triển KHCN và ĐMST như: Hệ thống pháp luật về KHCN và ĐMST chưa đồng bộ với pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư, đấu thầu, quản lý tài sản công…; chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN và ĐMST và thông lệ quốc tế.
Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN còn nhiều vướng mắc trong đấu thầu; thanh quyết toán; khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển KHCN để khơi thông nguồn lực tài chính ngoài nhà nước cho hoạt động KHCN.
Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KHCN công lập theo quy định tại Nghị định 60 năm 2021 đang gặp nhiều bất cập, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN, chưa tạo điều kiện cho các tổ chức KHCN được tự chủ toàn diện…
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Hoàng Giang
* Hình bìa: Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Hải Minh