Điều trị ngoại khoa bằng laser

    Trong ngoại khoa, nhiều loại laser đã được sử dụng. Ứng với mỗi loại tổn thương, mỗi loại hình phẫu thuật, người phẫu thuật viên có thể chọn một, hai hoặc nhiều loại laser khác nhau, đáp ứng mục đích phá hủy mô một cách chọn lọc dựa theo khả năng hấp thụ chọn lọc của mô bệnh lý với từng bước sóng…

    Hiện nay, các cơ sở y tế sử dụng laser như một con dao mổ với nhiều tính chất ưu việt của nó; sử dụng laser như một yếu tố quang nhiệt chọn lọc để phá hủy mô một cách chọn lọc; laser năng lượng thấp với hiệu ứng kích thích sinh học.

    Có thể nói, laser phát huy tối ưu tác dụng của nó trên các tổn thương sắc tố bẩm sinh hoặc mắc phải như: bớt xanh đen (Nevus of Ota), tàn nhang (Freckle), ban vàng (Xanthelasma), vết màu cà phê sữa (Cafe au lait spot) hoặc một số tổn thương mạch máu da bẩm sinh như u mạch máu (Hemangioma), bớt vang đỏ (Port-wine Stain) và nhiều tổn thương mạch máu da khác (Cutaneous Vascular Lesions).

    Các tổn thương này từ xưa tới nay trong sự hiểu biết kinh điển vẫn được coi là khó điều trị bằng thuốc men hoặc các can thiệp ngoại khoa kinh điển.

    Leon Goldman là người đầu tiên đưa laser ruby vào điều trị các tổn thương mạch máu và sắc tố đen.

    Tại Việt Nam, trong điều kiện chưa có đủ chủng loại laser, đặc biệt là laser màu có xung cực ngắn, điều chỉnh được bước sóng và những laser có khả năng hấp thụ bởi melanin, oxyhemoglobin một cách chọn lọc (laser ruby, laser hơi đồng), các cơ sở y tế, thẩm mỹ đã sử dụng laser CO2 vào ngoại khoa thẩm mỹ.

    Cơ sở lý luận cho việc ứng dụng này được dựa trên những đặc tính vốn có của laser CO2 như được nước hấp thụ gần như 100%, tạo nên tại bề mặt tổ chức nơi được chiếu một năng lượng lớn làm bốc bay tổ chức và thường được dùng trong các kỹ thuật nhằm loại bỏ tổ chức bệnh lý không đòi hỏi sự hấp thụ chọn lọc bởi sắc tố.

    U máu

    Đối với u máu ở vị trí có thể phẫu thuật cắt bỏ thì sử dụng laser CO2 cắt toàn bộ u máu và khâu vết mổ.

    Với các u máu da lớn, sần sùi thì dùng laser Nd:YG quang đông sâu để làm thu nhỏ lại thể tích của u, chuẩn bị tốt cho phẫu thuật cắt bỏ sau này.

    Với các tổn thương bớt vang đỏ, giãn mao mạch, u mạch nhện, sử dụng laser CO2 với chùm tia phân kỳ và công suất từ 5 – 7 W sao cho khi tương tác lên da có tổn thương mạch thì da ở đó từ màu đỏ tươi chuyển sang màu trắng nhợt, không gây than hóa trên bề mặt da. Tiếp đó dùng chùm tia laser CO2 hội tụ tạo nên những mũi khoan nhỏ trên mặt có màu da vừa biến đổi do chùm tia laser CO2 phân kỳ tương tác.

    Tổn thương sắc tố da và xăm mình

    Dùng kỹ thuật laser CO2 với công suất từ 5 – 10 W phát ở chế độ liên tục và chế độ xung được dùng để điều trị bớt xanh đen, vết cà phê sữa, tàn nhang, rám da khu trú có ranh giới rõ.

    Bước đầu dùng tia phân kỳ tác động lên vùng tổn thương với mật độ công suất phù hợp sao cho sau lần tác động, tổ chức ở đó chuyển ra màu trắng đục thì ngừng lại và dùng gạc ướt đẩy lớp thượng bì bong ra. Có thể làm lại một lần nữa (nếu thấy cần thiết) để làm bong bớt sắc tố đen ở phần dưới thượng bì. Sau đó dùng laser xung khoan lỗ lên phần vừa tác động, tạo lên bề mặt nhiều lỗ nhỏ hình chóp nón.

    Các u cục trên da

    Nốt ruồi, ban vàng, mụn cóc, đồi mồi, u nang tuyến mồ hôi, mụn bọc, u tuyến bã, chai chân, u thịt dư, Condylome, ung thư tế bào đáy… sử dụng laser CO2 công suất 5 – 7 W ở chế độ liên tục hoặc xung.

    Một thể tích lớn của tổn thương bị đốt cháy thành khí và được hệ thống máy hút dẫn ra ngoài, một số ít còn lại ở dạng than hóa và hạn chế tổn thương nhiệt thứ phát.

    BS. TRẦN CÔNG DUYỆT

    Recommended For You