Hàng trăm năm qua, từ khi đặt chân đến đồng bằng sông Cửu Long, nhiều thế hệ người Việt ở Nam bộ đã nắm bắt và vận dụng quy luật tự nhiên vào cuộc sống. Họ căn cứ vào đặc điểm của các hiện tượng tự nhiên nơi đây đưa ra những cái tên theo mùa, trong đó “mùa nước nổi” hay còn gọi “mùa nước lên” được nhiều người gọi khi nước lớn, mưa về.
Có thể nói, các thuật ngữ như nước ngập, nước lụt, nước lên… đã là phương ngữ Nam bộ, phản ánh cụ thể một hiện tượng tự nhiên tại địa phương; và cũng được xem là bản sắc địa phương, góp phần làm phong phú ngôn ngữ.
Theo tác giả – nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu, đồng bằng sông Cửu Long là vùng sông nước với mạng lưới sông rạch chằng chịt, có hơn 4.000 sông rạch; hằng năm, mùa nước nổi kéo dài từ 2 – 4 tháng, tùy theo vùng cao hay vùng thấp, cùng hiện tượng nước lớn nước ròng hằng ngày.
Có hai vùng ngập sâu nhất là Tứ giác Long Xuyên (với 4 góc: Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá) và Đồng Tháp Mười (thuộc 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An); khi nhìn xa, trông như là biển. Nước đến chậm, ở lại lâu, nhưng thường không qua “hung dữ”, nên người dân địa phương gọi đó là “mùa nước nổi”.
Mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long cũng là thời điểm mà cư dân địa phương tập trung cao cách ứng phó với thiên nhiên.
Những hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt đời thường khác của cư dân địa phương trong mùa nước nổi đã góp phần tăng thêm sự phong phú đa dạng, nhiều màu sắc cho văn hóa miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long.
Trong tập sách biên khảo “Mùa nước nổi trong đời sống văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long”, tác giả đã phân nội dung thành các chương: mấy nét về mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long; nơi ăn chốn ở trong mùa nước nổi; hoạt động kinh tế, đi lại vận chuyển và chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong mùa nước nổi… Qua đó, tác giả giúp độc giả hiểu hơn về sự khác nhau giữa lũ với lụt, các nét văn hóa độc đáo trong đời sống vùng miền Tây sông nước trong mùa nước nổi.
Với một số hình ảnh tiêu biểu, tập biên khảo đã phần nào khắc họa được vai trò, sự tác động và ảnh hưởng của mùa nước nổi trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo thời gian, với sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, cũng như sự phát triển của kinh tế xã hội, thì một số hoạt động trong mùa nước nổi đã không còn. Dẫu vậy, “mùa nước nổi” vẫn luôn xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong trí thức dân gian, trong phương ngữ, trong lời “ăn tiếng nói” của từng địa phương, và cả trong văn hóa vật chất.
Sách có giá bìa 80.000 đồng, thấy có bán tại Cửa hàng sách Văn hóa – Văn nghệ (88 – 90 Ký Con, Q.1, TP.HCM), và quầy M3 – đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Q.1).