Đối tượng nào được thụ hưởng chính sách đào tạo nghề nông thôn?

    Người lao động trực tiếp làm nông nghiệp, hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, ngư dân, là những đối tượng được thụ hưởng chính sách đào tạo nghề nông thôn.

    Những đối tượng nêu trên chỉ cần có độ tuổi đủ 15 đến 60 tuổi (đối với nam), 55 tuổi (đối với nữ), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học.

    Khi thuộc đối tượng được học nghề theo đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Quyết định 1956 và 971/QĐ-TTg), các đối tượng trên được đào tạo trình độ sơ cấp hoặc dưới 3 tháng. Tham gia vào khóa đào tạo này, các đối tượng này sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại. Ngoài ra, được lựa chọn nghề, lựa chọn cơ sở đào tạo, tuy nhiên, chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần (đối tượng đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác thì không được hỗ trợ đào tạo theo chính sách này).

    Riêng những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì UBND cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhưng tối đa không quá 3 lần.

    Về hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, tùy vào đối tượng sẽ có mức hưởng khác nhau. Theo đó, người khuyết tật được hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/khóa học; đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/khóa học; người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/khóa học; người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ tối đa 2,5 triệu đồng/khóa học.

    Với phụ nữ, lao động nông thôn được hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/khóa học.

    Riêng ngư dân nếu học các nghề: vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên, được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo.

    Ngoài được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, các đối tượng nêu trên còn được hỗ trợ 30.000 đồng/người/ngày học. Với người ở xa địa điểm đào tạo (cách nơi ở) từ 15 km trở lên, được hỗ trợ 200.000 đồng/người/khóa.

    Riêng đối với người khuyết tật hoặc người cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn (ở xa địa điểm đào tạo (cách nơi ở) từ 5 km trở lên, được hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học.

    Ngoài ra, lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm và các nguồn quỹ khác thuộc các hội, đoàn thể với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.

    PHÚC TẦN

    Recommended For You