Khi chọn thức ăn cần “ngũ vị”: cay, ngọt, chua, đắng, mặn hài hòa để mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nếu ngũ vị thiên lệch sẽ không tốt cho sức khỏe.
Ngũ vị với ngũ tạng
Nói chung, thức ăn có 5 vị gồm cay, ngọt, chua, đắng, mặn, mỗi vị đạo đối với cơ thể có những tác dụng khác nhau. Ngũ vị không chỉ thúc đẩy sự thèm ăn, trợ giúp tiêu hóa mà còn là chất dinh dưỡng không thể thiếu của cơ thể. Đông y cho rằng, để đảm bảo sức khỏe, các vị đạo của thức ăn nên được tận dụng một cách cân bằng.
– Chua với gan: thức ăn vị chua có tác dụng tăng cường chức năng tiêu hóa và bảo vệ gan, thường dùng không chỉ trợ giúp tiêu hóa, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh trong ruột, còn có công hiệu dự phòng cảm mạo, giảm huyết áp, làm mềm mạch máu. Ô mai (xí muội), sơn thù, lựu, cà chua, sơn tra (táo mèo), cam chủ yếu với vị chua, đều chứa nhiều vitamin C, giúp phòng ngừa ung thư, chống lão hóa, phòng trị xơ cứng động mạch.
– Ngọt với tỳ: đường đỏ, long nhãn, mật ong, mì… giúp bổ dưỡng khí huyết, bổ sung năng lượng, giải trừ mệt mỏi, điều vị giải độc, hoãn giải co thắt…
– Đắng với tim: vị đắng có tác dụng trừ thấp và lợi tiểu như vỏ quýt, hạnh nhân đắng, khổ qua, bách hợp…, thường dùng khổ qua điều trị bệnh thủy thũng.
– Cay với phổi: cay có công hiệu phát hãn (vã mồ hôi), lý khí. Hành, tỏi, gừng, ớt, hồ tiêu thường dùng, đều là thức ăn chủ yếu có vị cay, “chất cay” chứa trong những thức ăn này giúp bảo vệ mạch máu, lại giúp điều lý khí huyết, sơ thông kinh lạc. Dùng thường xuyên giúp dự phòng cảm mạo phong hàn. Tuy nhiên, người mắc bệnh trĩ, táo bón, suy nhược thần kinh không nên dùng.
– Mặn với thận: vị mặn có công hiệu điều tiết thẩm thấu của tế bào và máu, đảm bảo trao đổi chất bình thường. Sau khi nôn ói, tiêu chảy, vã nhiều mồ hôi nên uống nước muối nhạt vừa đủ, nhằm đảm bảo trao đổi chất được bình thường. Vị mặn có tác dụng tả hạ, nhuyễn kiên, tán kết và bổ ích âm huyết như muối, phổ tai, rong biển, sứa…
Ngũ sắc với ăn uống dưỡng sinh
Sắc màu vừa phản ánh chất lượng của thức ăn, vừa có quan hệ mật thiết với sức khỏe.
– Sắc xanh bảo vệ gan: trong thức ăn màu xanh hàm lượng vitamin C phong phú, thường dùng có ích đối với gan. Dân gian tương truyền rằng, vài ngày không ăn rau lá màu xanh người ta dễ bốc hỏa, bởi vì màu xanh đi vào gan, tính mát lạnh, có công hiệu giải độc bình can, thanh nhiệt tả hỏa.
– Sắc đỏ ấm dạ dày: thịt cầm vì có chứa protein hữu cơ mà mang màu đỏ, còn gọi là thịt đỏ, tính ấm nóng, có tác dụng tán hàn ấm vị, ôn bổ khí huyết. Trong thịt có chứa protid và lipid, cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, thịt thuộc thức ăn thấp nhiệt, dùng nhiều không tốt cho sức khỏe, nên dùng vừa đủ. Ngoài ra, cà chua sắc đỏ cũng chứa nhiều loại vitamin, khoáng tố và muối vô cơ, có công hiệu kiện vị tiêu thực.
– Sắc vàng vào tỳ: đậu nành, bí rợ, cà rốt, cam quýt… mang sắc vàng, vị ngọt vào tỳ, bổ ích an trung, lý khí thông khiếu. Những thức ăn này phần nhiều chứa beta-caroten, đi vào cơ thể có thể chuyển thành vitamin A, có nhiều công năng như bảo vệ tổ chức thượng bì, bảo vệ thị lực, chống oxy hóa.
– Sắc đen bổ thận: đậu đen, mè đen, nếp thang, gà ác, ba ba, nấm mèo đen, nấm hương (đông cô), táo đen, phổ tai, rong biển đều có tác dụng bổ nội ích khí, cố thận sống lâu, đặc biệt đối với người trung lão niên cơ thể dần dần xuất hiện sự suy thoái, nên dùng nhiều thức ăn màu đen.
– Sắc trắng đa nguyên: nấm mèo trắng, bách hợp, hạt sen có công hiệu ôn phế trị ho, ích khí tư âm. Sữa bò, sữa đậu nành màu trắng chứa nhiều protid và calci, là loại thức ăn dinh dưỡng, nên dùng hàng ngày. Gạo và lúa mì, chứa tinh bột và protid, là thức ăn chính của con người, cũng nên dùng hàng ngày. Thức ăn màu trắng tốt nhất làm phối liệu, kết hợp với các thức ăn màu sắc khác, để bổ sung cho nhau, để “lấy dài bù ngắn”.
Lương y BÀNG CẨM