Là một trong những làng nghề lâu đời tại TP.HCM, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) đã tìm cách khôi phục và phát triển bằng cách gắn làng nghề bánh tráng với du lịch.
Trong thời gian qua, với chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển làng nghề, đặc biệt là đầu tư thực hiện các dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch và phát triển làng nghề mới theo Nghị quyết 3891 của UBND TP.HCM, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông ngày càng có nhiều khởi sắc.
Năm 2020, Sở du lịch TP.HCM cùng các doanh nghiệp lữ hành đã mở rộng hàng loạt dòng sản phẩm du lịch nông nghiệp khi liên kết với các tỉnh thành Đông và Tây Nam bộ, đưa khách đến các làng nghề, trong đó có làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông. Từ đó, chẳng những khách du lịch trong nước mà khách du lịch nước ngoài ngày càng biết đến làng nghề bánh tráng nhiều hơn. Các chuyến xe chở du khách vào thăm làng nghề càng trở nên nhộn nhịp khi khách đến tham quan các lò tráng bánh, rồi dùng thử bánh tráng và mua về làm quà.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, các nhà vườn cây ăn trái ở xã Trung An khi liên kết phát triển thành các điểm du lịch vườn, thu hút khá đông người dân các nơi đến vui chơi, giải trí và thưởng thức trái cây tại chỗ thì cũng đưa làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông là một trong những điểm tham quan của du khách. Đó cũng là điểm nhấn của tour du lịch nông nghiệp cho du khách, sau khi tham quan Địa đạo Củ Chi, du khách sẽ đến các vườn cây ăn trái Trung An, tham quan làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông và kết thúc bằng buổi học làm nhà nông ở các vườn trồng rau.
Củ Chi là vùng đất có nhiều tiềm năng du lịch với nhiều địa điểm hấp dẫn. Hiện tại, tuyến tham quan du lịch chính của Củ Chi là Địa đạo Bến Đình, Bến Dược, xuất phát từ trung tâm TP.HCM theo lộ trình Quốc lộ 22 – Tỉnh lộ 15 – đường Nguyễn Thị Rành – điểm tham quan và ngược lại. Theo đó, xã Phú Hòa Đông có lợi thế nằm ở trục đường Tỉnh lộ 15 rất thuận tiện trong việc xây dựng trạm dừng chân cho du khách mua sắm, nghỉ ngơi trước khi đến với điểm tham quan chính.
Vì vậy, nếu đẩy mạnh việc phát triển du lịch làng nghề truyền thống, sẽ góp phần đa dạng nguồn tài nguyên du lịch địa phương, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó góp phần quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, thỉnh thoảng vẫn có các đoàn khách trong và ngoài nước liên hệ địa phương kết nối với các làng nghề này để tham quan, ghi hình làm tư liệu, điều đó cho thấy Củ Chi được đánh giá là địa điểm thú vị được du khách quan tâm tìm hiểu nghiên cứu, hứa hẹn những khởi sắc hơn cho làng nghề.
Thông qua du lịch, địa phương sẽ huy động được nguồn nhân lực tại chỗ, khơi gợi ý thức của người dân, phát huy tính chủ động, tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Từ đó, các sản phẩm của làng nghề sẽ có hướng tiêu thụ, chẳng những làng nghề được bảo tồn mà còn có cơ hội vươn xa.