Giá cà phê sáng 5/3 tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng mạnh lên 86.200 tới 87.000 đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục trước nay của mặt hàng này. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã bán phần lớn cà phê cuối năm 2023 với giá khoảng 60.000 đến 70.000 đồng/kg. Số lượng người dân tích trữ cà phê nhân hiện còn rất ít.
Giá lập đỉnh
Cà phê Robusta giao dịch trên sàn ICE Futures Europe (sàn London) được cập nhật lúc 4h12 phút ngày 6/3/2024 tiếp tục tăng cao và liên tiếp lập đỉnh giá mới. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 86.800 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 87.100 đồng/kg. Tại Lâm Đồng, giá cà phê nhân xô ở các huyện Di Linh, Lâm Hà, TP Bảo Lộc được thu mua với giá 85.800 tới 86.200 đồng/kg.
Ông Trần Văn Xuất – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Ban (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) chuyên trồng cà phê chất lượng cao với khoảng 30 ha, cho biết, ông và bà con nông dân năm nay rất bất ngờ khi đã hết vụ thu hoạch nhưng giá cà phê lại liên tiếp lập đỉnh mới. Theo tính toán sơ bộ, trung bình 1 ha đạt năng suất cao nhất 3,8 tấn, tính với giá khoảng 85.000 đồng/kg hiện nay thì sẽ đạt doanh thu 323 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí, người trồng cà phê có thể thu về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha. “Khi cà phê đang lên cao cuối năm 2023, hầu hết người dân trồng cà phê đã bán 70% ở mức giá 65.000 tới 70.000 đồng/kg, khoảng hơn 10% bán được với giá trên 70.000 đồng. Số lượng người dân dự đoán, quyết định tích trữ cà phê tới giờ còn lại rất ít”, ông Xuất nhận định.
Còn bà Nguyễn Hải Hà (ngụ xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) cho biết, gia đình bà là số ít gia đình trong xã chủ động trữ hàng và vừa qua bán được 3 tấn cà phê nhân với giá 80.000 đồng/kg. Mức giá này đã rất cao so với mọi năm nên bà Hà không thể dự đoán cà phê còn có thể tăng tiếp tục lên tới 87.000 đồng/kg như hiện nay. Còn lại, hầu hết người dân trong xã và các xã lân cận, theo bà Hà ghi nhận, đều đã bán hết ở mức giá trên dưới 70.000 đồng, nhiều gia đình từ đầu vụ chỉ bán được với giá gần 60.000 đồng/kg. “Đến thời điểm này, bà con ai còn cà phê để bán thì chứng tỏ người đó có điều kiện. Còn đa số người dân chúng tôi đã bán hết từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024 với giá 65.000-70.000 đồng/kg, ráng lắm thì đợi bán ở mức 80.000 đồng/kg. Giờ giá cà phê có tăng cao thì người nông dân cũng chỉ biết tiếc nuối”, bà Hà chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, diện tích cà phê toàn tỉnh năm 2023 là 175.708 ha, diện tích kinh doanh 163.520 ha với sản lượng theo kế hoạch năm 2023 là 535.777 tấn. Năm 2023, cà phê nhân xuất khẩu sang các thị trường ngoài nước của Lâm Đồng đạt 175,85 triệu USD. Riêng năm 2024, lũy kế tới ngày 1/3, cà phê xuất khẩu đạt 26,72 triệu USD.
Chờ vụ thu hoạch mới
Do đã bán hầu hết cà phê vào cuối năm 2023 nên bà con nông dân trồng cà phê tại Lâm Đồng đang tích cực chăm sóc tốt cho cây cà phê để có năng suất cao và hi vọng giữ được mức giá kỷ lục như hiện nay vào vụ thu hoạch cuối năm 2024.
Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, tới thời điểm này, cà phê trong người dân gần như không còn. Thường thì sau đầu vụ thu hoạch khoảng 2-3 tháng, tức khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm người dân đã bán hết cà phê. Hiện nay, không chỉ có người dân không còn cà phê để bán, các doanh nghiệp thu mua cũng đã cạn nguồn hàng để xuất sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu,…
Giá cà phê cao nhất trong lịch sử đang tạo cú hích tinh thần cho bà con nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là cây công nghiệp trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Để cây trồng chủ lực phát triển bền vững, UBND Lâm Đồng thời gian qua đã yêu cầu ngành Nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh tiếp tục gây dựng và mở rộng đáng kể diện tích cây cà phê được cấp chứng chỉ bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế UTZ, 4C cũng như đã và đang thúc đẩy phát triển cà phê theo chuỗi nông sản toàn cầu.
Hiện nay, Lâm Đồng đang phát triển 5 vùng chuyên canh cà phê đặc sản có quy mô lớn tại các huyện: Di Linh 40.000 ha, Lâm Hà 30.000 ha, Bảo Lâm 20.000 ha, Đức Trọng 10.000 ha, TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương 4.000 ha để hình thành những vùng nguyên liệu có quy mô lớn phục vụ xuất khẩu. Phát triển vùng sản xuất cà phê có chứng nhận theo tiêu chuẩn UTZ, 4C, Rainforest đạt 50-60% diện tích để cung cấp cà phê nhân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với giá trị cao.